Search This Blog

Thursday, 26 March 2020

CHÚNG TA CÒN NHIỀU ‘ĐẠI DỊCH’ ĐÁNG LO HƠN CORONA.

#WedNonQuora

CHÚNG TA CÒN NHIỀU 'ĐẠI DỊCH' ĐÁNG LO HƠN CORONA.

1. ''Đại dịch'' lãng quên.

Hàng nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phá sản trên toàn thế giới, chỉ vì Corona. Chúng ta từng than phiền rất nhiều về việc "học sử gì toàn nhớ số liệu, toàn đếm ốc vít, số năm hay số người chết". Nhưng ngay lúc này, khi ta đang sống trong thời điểm mà sau này sẽ trở thành lịch sử, thì tất cả những gì chúng ta thấy, và quan tâm, cũng chỉ là những con số vô hồn mà thôi.

Như bao đại dịch khác, Corona rồi cũng sẽ qua, sẽ bị lãng quên và trở thành một phần của lịch sử kiểm duyệt. Nhân loại sẽ nhớ gì về chúng, ngoài những dòng chữ vô hồn vô thanh như "hàng trăm nghìn người đã mắc bệnh, hàng chục nghìn người đã chết" in trong mớ sách sử giới trẻ vốn luôn chán ghét?

Corona rồi sẽ qua, thế giới lại vang lên khúc ca khải hoàn, mọi người chìm đắm vào niềm vui sướng vô tận khi họ bắt lấy lá thăm dài và được tiếp tục sống. Nhưng còn những người kém may mắn bốc phải những lá thăm ngắn thì sao? Ai sẽ nhớ đến họ? Chúng ta có được biết kỹ hơn về số người chết, xem liệu bao nhiêu người qua đời ở bệnh viện sau mọi nỗ lực của bác sĩ, bao nhiêu đã mất trong những trại tập trung không ai chăm sóc vì hệ thống y tế đã quá tải và bao nhiêu người chết dí ở nhà riêng chẳng ai biết vì họ vốn chẳng được quan tâm từ trước đến nay hay không?

Có lẽ vì thế giới đã quá đông, đến hàng tỷ người, nên chúng ta dù muốn cũng chẳng thể mảy may cảm thấy xúc động khi nhìn thấy những dãy 4 5 chữ số được hiển thị bằng mực màu đỏ. "Chết gần chục nghìn người ư? Nhưng đang là dịch bệnh và số chết chỉ là vài % lẻ, lại còn là người già, thì có gì đáng lo chứ?", nhiều người nghĩ.

Nhưng con số không chỉ là số. 18580 người thiệt mạng, nghĩa là 18580 cuộc đời sắp trôi vào quên lãng, là 18580 cá thể cũng như bạn và tôi, đang dần trở thành cát bụi. Đó là 18580 nỗi buồn có thật mà chỉ những người gần gũi họ mới cảm nhận rõ. Đó là 18580 câu chuyện chúng ta có thể sẽ chẳng bao giờ được nghe.

Rồi chúng ta sẽ lãng quên họ, lãng quên sự kiện lịch sử này, y như cách mọi người rồi cũng sẽ lãng quên chúng ta. Thật buồn khi nghĩ đến điều này, nhưng bản chất của thế giới này là lãng quên.

Ký ức có lẽ không giúp gì cho toàn thể nhân loại, nhưng nó giúp cuộc đời mỗi cá thể trở nên có nghĩa. Truyền thông và đám đông đang rỉ tai nhau những loại tin tức vô thưởng vô phạt, những số liệu hay khúc ca khải hoàn về sự vinh quang vì đã "quyết thắng chống lại đại dịch". Và chúng cũng làm lu mờ đi ký ức của chúng ta về những con người đã từng sống, đã từng đau khổ và đã chết đi vì vô tình đứng giữa xa lộ thời đại với những chiến xa lao vun vút về tương lai.

Lãng quên đang trở thành đại dịch. Quá nhiều thông tin được lan truyền, nhưng phần lớn là vô bổ. Những câu chuyện đầy cảm xúc phía sau con số vô hồn kia đang bị chôn vùi trong câm lặng, tan như bọt biển giữa đại dương bát ngát. Chúng ta không thật sự biết về những gì đã diễn ra phía sau đó. Chúng ta chỉ đang bàn tán, ghi nhớ và lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại những thông điệp nặng mùi tuyên truyền từ ai đó mà thôi.

2. ''Đại dịch'' về sự ảo tưởng.

Obama từng có một phát biểu hiển nhiên đến dường như không đáng để chú ý, nhưng lại dấy lên tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ. Ông bảo rằng: "Nếu bạn thành công, ắt hẳn có ai đó dọc đường đã giúp bạn. Có người thầy tuyệt vời từng ở đâu đó trong cuộc đời bạn. Có người đã tạo ra hệ thống khó tin của nước Mỹ giúp bạn trở nên thịnh vượng. Ai đó đã xây dựng đường xá và cầu. Nếu bạn sở hữu công ty, bạn không xây nên nó. Một ai đó khác đã giúp điều đó xảy ra".

Tất nhiên sẽ có nhiều tranh cãi nếu bạn thật sự có chủ ý bắt bẻ câu từ trong một đoạn diễn thuyết ngắn, nhưng về cơ bản, Obama chẳng sai gì khi muốn truyền đạt hàm ý rằng "những gì bạn có hôm nay, không chỉ là công sức của riêng bạn, mà là của tất cả chúng ta".

Vì nếu bạn mở miệng chê chính sách đã khiến việc kinh doanh của bạn gặp khó khăn, thì bạn nên cảm ơn chính phủ khi phát đạt. Nếu bạn than phiền rằng bố mẹ già cản bước tiến của bạn, thì bạn phải chấp nhận rằng cũng chính họ đã đưa bạn đến hôm nay. Nếu bạn cho rằng hệ thống giáo dục bạn hưởng thật tồi tệ, thì trừ khi bạn cũng chấp nhận mình là thằng ngu được đào tạo từ đó.

Vì không thể nào nói rằng bạn giỏi thì do bạn, còn bạn ngu thì do người khác được. Dù chúng ta đều biết rằng không thể phủ nhận nỗ lực cá nhân, nhưng nếu chỉ nỗ lực cá nhân thôi, vậy thì có phải thất bại là do chúng ta ngu không? Và có phải tất cả chúng ta đều ngu không?

Nhưng người Mỹ (và những bạn trẻ Việt Nam ngày nay) dường như không chấp nhận nổi phát biểu trên của Obama. Họ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân đến mức cực đoan và (đôi lúc trở nên) đáng khinh bỉ.

Dịch Corona xuất hiện, chúng ta mới biết mình mong manh dễ vỡ đến nhường nào, và hiểu rằng chưa bao giờ mình thật sự nắm giữ "số mệnh" của bản thân.

Doanh nghiệp hôm qua vừa phát đạt, nay đã phải đệ đơn phá sản mà chẳng vì bất kỳ điều gì cả.

Thể lực hôm qua vừa khỏe mạnh, nay đã phải phụ thuộc vào mặt nạ dưỡng khí trong khu tập trung.

Cuộc sống hôm qua đang tự do, nay phải ở nhà cả ngày và lo cho vợ chồng con cái.

Đã có người thất nghiệp, có người không có chỗ ở, có người không có chỗ ăn hay thậm chí không còn tự do cá nhân nữa. Và tất cả những điều này đều ngẫu nhiên và nằm ngoài kiểm soát đến mức chỉ có thể gào lên trong đau khổ.

Chúng ta không thể làm gì khác, ngoài việc hi vọng chính phủ sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh. Hi vọng bệnh viện sẽ có đủ chỗ. Hi vọng trường học sẽ sớm mở cửa trở lại. Hi vọng thức ăn sẽ được vận chuyển trơn tru. Hi vọng người bệnh sẽ đi cách ly thay vì lây cho người khác. Hi vọng mình đừng vô tình gặp ai đó mang theo virus Corona, trong lúc đi lùng cuộn giấy vệ sinh cuối cùng của thành phố.

Sự tự tin về "nỗ lực cá nhân" bỗng dưng đứt gãy đến mức đáng thương.

Chúng ta, lần đầu tiên, quỳ gối hi vọng cộng đồng có thể xử lý được tất cả những chuyện này. Để ta lại được có cơ hội "nỗ lực cá nhân" thêm lần nữa.

Và cũng là lần đầu tiên, ta nhận ra rằng việc tốt nhất mình có thể làm lúc này, là không làm gì cả.

3. ''Đại dịch'' về đứt gãy thế hệ.

Chủ nghĩa tự do cá nhân ở Mỹ phải gửi lời cám ơn sâu sắc đến thế hệ Baby Boomers (thế hệ 4x, 5x và 6x, chỉ sự bùng nổ về sinh sản trong giai đoạn hậu chiến).

Baby Boomers (BB) ra đời trong bối cảnh nước Mỹ thắng lớn trong chiến tranh thế giới II. Họ là thế hệ có bố mẹ giàu có, lạc quan và không phải lo nghĩ quá nhiều về cuộc đời trong tương lai. Vì thế, các BB có thời gian và tâm trí để thực hiện nhiều cuộc cách mạng văn hóa, chính trị, xã hội.

Họ dẫn đầu phong trào phản văn hóa, phản chiến, chống lại những luồng tư tưởng cũ. Họ là những hippies đắm chìm trong cần sa và LSD.

Họ dẫn đầu làn sóng nữ quyền lần hai, lần đầu nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, chính trị và cả xã hội.

Họ cũng tạo ra cách mạng tình dục, tách rời tình yêu - tình dục và lần đầu đặt câu hỏi về tính đúng đắn của "hôn nhân 1 vợ 1 chồng". Hay lần đầu dấy lên quan niệm rằng "cứ ngủ với nhau tự do đi, vì chúng ta sinh ra là để như thế mà".

Họ là thế hệ trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế nhất, và cũng là thế hệ bị bốc hơi tài sản nhiều nhất.

Họ cũng là thế hệ cực đoan nhất trong việc cho rằng mình thông thái hơn thế hệ trước và hiểu biết nhiều hơn thế hệ sau.

Và cũng là thế hệ đang bị ăn mòn bởi Corona, là nhóm chiếm phần đông trong tỷ lệ tử vong được in bằng những con số vô hồn màu đỏ.

Baby Boomers là những người bị lãng quên ở phần (1), cũng là những kẻ ngạo mạn ở phần (2). Họ là nạn nhân, của chính xã hội mà họ đã bỏ công sức kiến tạo nên.

Thế giới đang nói đến tỷ lệ tử vong của Baby Boomers như một sự thanh lọc. Từ báo chí cho đến những câu bông đùa trên mạng xã hội, mọi người hoặc là an ủi lẫn nhau rằng "chỉ người già mới chết nhiều trong mùa dịch này thôi" hoặc trơ trẽn thốt lên "đáng đời boomers, hãy ra đi cùng những lý tưởng của mình".

Baby Boomers đang dần trở thành những con số, tan dần thành cát bụi và bị chà đạp bởi thế hệ sau. Thật châm biếm vì họ là thế hệ đi đầu trong việc thể hiện sự ngạo mạn với thế hệ trước.

Họ đang dần trở thành những vở kịch cũ kỹ bị lãng quên. Những câu chuyện có cái kết buồn đã được viết gần đến trang cuối cùng, về sự bi đát của những kẻ vẫn nghĩ rằng mình tạo ra thời đại chứ không phải ngược lại.

Nhưng những gì millennials và Z gen hôm nay đối xử với Baby Boomers, cũng sẽ là tương lai của chính họ thôi. Chúng ta, dù lạc quan và ngây thơ đến cách mấy, cũng phải biết rằng không thể có chuyện vừa chửi thế hệ đi trước, lại vừa được thế hệ sau yêu thương.

Thế giới không hoạt động như vậy.

Baby Boomers từng là hippies, nhưng cũng đang là những người bảo thủ.

Millennials, Z gen, X gen hay bất kỳ thế hệ nào khác cũng vậy. Chúng ta lúc nào cũng hồ hởi thời tuổi trẻ, muốn thay đổi điều này, phá vỡ quy luật kia và tạo nên thứ nọ, rồi về già trở nên bảo thủ vì muốn giữ những gì mình đã bỏ công kiến tạo nên.

Chúng ta là những kẻ tiêu chuẩn kép, luôn như vậy. Là những kẻ muốn làm nên cách mạng, nhưng lại không cho phép thế hệ sau làm thế. Là những kẻ muốn nói thật nhiều, nhưng không muốn nghe người khác nói. Là những kẻ tôn thờ sự tự do, nhưng lại ép buộc người khác không được phản đối.

Mỗi hành động của cá nhân lại góp công kiến tạo nên cấu trúc xã hội, và chính xã hội ấy sẽ lại đối xử với cá nhân đúng như cách nó được tạo nên. Thế hệ ngạo mạn nào tin rằng mình là tốt nhất, rồi cũng sẽ lại bị lãng quên, sẽ lại trở thành cát bụi và thành những con số đếm vô hồn vô cảm trong mắt thế hệ sau.

Corona rồi sẽ qua, và chúng ta cũng vậy. Rồi ta sẽ trở thành "bệnh nhân X" nào đó, hoặc cùng lắm được nhắc đến như là "Millennials" hay "Z Gen".

Vì nếu ta đang dần lãng quên người khác, thì hi vọng gì ở chuyện sẽ được nhớ tên?

Monster Box

*Bài viết có nhiều chỗ đáng tranh cãi, hãy nói bất cứ điều gì nếu bạn cảm thấy hứng thú.


No comments:

Post a Comment