Search This Blog

Friday, 20 March 2020

Chapter 2 : Life is just a big fat joke

What do Arthur Fleck and Bickle Travis have in common?
Madness?
Or masculinity?
Arthur là một đàn ông độc thân, sống với mẹ, hàng ngày đóng vai một anh hề để kiếm sống. Một chứng bệnh thần kinh đã ngăn cản giấc mơ làm diễn viên hài kịch và khiến Arthur thường xuyên bị chế nhạo. Cuộc sống thêm nhiều khó khăn và dường như mọi xui xẻo đều nhằm vào người đàn ông bất hạnh. Đâu sẽ là giới hạn cho con người này trước bất công và ghẻ lạnh? Nếu thế giới chưa từng xót thương Arthur, liệu Arthur có cần xót thương thế giới?
Precaution: Review dịch lại ý đồ đạo diễn, không nhất thiết giống quan điểm người viết.
1. Cấu trúc
Với tư cách là phim về câu truyện ban đầu (original story), Joker cần phải là sáng thế ký cho tên ác nhân nguy hiểm nhất Gotham aka phải trình diễn được một cuộc biến hình, và bộ phim đã làm điều này bằng cách kể đầu cuối đối lập:
Đầu phim là cảnh Joaquin trang điểm xong ngồi trước gương, tự kéo mép lên thành nụ cười, cùng lúc một giọt nước mắt màu đen rơi trên má. Bộ mặt trang điểm này là mặt nạ Arthur bị buộc đeo, nó không biểu diễn đúng nội tâm và cũng chẳng nghe lời anh ta.
Cuối phim, sau cảnh giết mẹ, Joaquin vẫn ngồi trước gương, nhưng tự tay trang điểm với sự lão luyện tận hưởng. Đây là khuôn mặt Joker đã chọn và đã làm chủ.
Đầu phim, Arthur rượt đuổi đám trẻ ăn cắp biển, băng qua đường, cố tránh nhưng tý nữa bị xe cán.
Cuối phim, Joker bị cảnh sát rượt đuổi vì tội giết người, chẳng suy nghĩ gì đâm thẳng lên nóc xe, chẳng hề hấn.
Đầu phim, Arthur nặng nhọc lê bước lên bậc thang hun hút, về chung cư, ủ rũ vào thang máy.
Cuối phim, Joker trang điểm, bước vào thang máy, phóng túng nhảy nhót từ bậc thang xuống.
Đầu phim, Arthur mơ đứng trong show của Murray, bày tỏ lòng hâm mộ, và được Murray coi như con.
Cuối phim, Joker thật đứng trong show Murray, khinh miệt kết án rồi bắn chết kẻ từng là thần tượng.
Đầu phim Arthur vì tự vệ mà giết người, cuối phim, đám đông đã dẫm đạp cảnh sát hộ hắn.

Về cơ bản thì Arthur bị động, sợ sệt, thèm khát được yêu thương nhưng vẫn bị cả thế giới ruồng rẫy bao nhiêu thì Joker tự chủ, liều lĩnh, khinh ghét thế giới nhưng lại được cả thế giới trợ lực bấy nhiêu.
Bên cạnh cấu trúc đầu cuối trên, là một tác phẩm về tay ác nhân hay đùa nhất Gotham, Joker hẳn phải là một bộ phim ngạo đời, và bộ phim thể hiện thái độ này qua cấu trúc truyện lồng truyện.
Tay Joker cuối phim, khi ở bệnh viện Arkham, lại hồi tưởng về câu chuyện của tay Joker mà chúng ta vừa xem trước đó. Như thế, không chỉ Arthur đã mang ảo tưởng rồi thức tỉnh như phần trước chỉ ra, mà ngay quá trình ảo tưởng rồi thức tỉnh ấy cũng có thể là một ảo tưởng nữa trong đầu tay Joker cuối phim. Và hẳn nhiên, cả chuyện tay Joker cuối phim đang mơ mộng về chuyện tay Joker đầu phim mơ mộng lại cũng có thể là một chuyện mộng mơ nốt. Joker kết cục chẳng phải cũng đang tiến về ánh vàng – biểu tượng cho ảo mộng, hay sao? Chắc gì cái ta đang nhìn đây không phải hình ảnh đùa cợt trong não của một tên Joker nữa đang đứng ngoài tất cả?
Cứ tiếp tục như vậy từ trên xuống ta sẽ có tiếp cả tỷ tên Joker và con rùa nữa.
Nhưng mục tiêu ở đây hẳn nhiên không để đếm Joker hay rùa, mà cấu trúc trên chủ đích muốn gieo vào lòng người xem một câu hỏi:
Vậy chúng ta thì đang ở đâu trong chuỗi hồi quy vô hạn này?
Tại sao người ta hay thấy bất ổn khi xem một câu truyện ở trong một câu truyện? Bởi nó đánh động một sự thật là nhân vật trong câu truyện này có thể là khán giả của câu truyện khác, cũng nghĩa là cả khán giả chúng ta đây có thể chỉ là các nhân vật hư cấu lẫn toàn bộ sự thật ta đang biết về thế giới đây, có thể chỉ là một trò đùa.
Tuy thế, chất vấn về hiện thực chỉ là trò đùa cơ bản nhất của Joker.
2. Các biểu tượng
a) Có một hình ảnh tuy không hề được nhấn mạnh hoành tráng, song lại xuất hiện khá nhiều, đều ở các cảnh quan trọng trong Joker:
Khi Arthur bí mật bám theo Sophie, hắn dõi theo cô sau một hàng rào sắt.
Khi đến nhà Thomas Wayne và lần đầu gặp người về sau sẽ thành tử thù trọn đời của hắn, Arthur nói chuyện với Bruce Wayne cũng qua song sắt.
Lúc gặp 2 viên cảnh sát đến dò hỏi ở bệnh viện, hắn lảng tránh và tìm cách chui vào trong với mẹ, nhưng không chú ý bị đập mặt vào cửa kính, hắn vẫn tìm cách vào nhưng không được, viên cảnh sát mới nhắc rằng cửa đó để đi ra thôi.
Khi Arthur đến Arkham tìm sự thật, hắn cũng trò chuyện với nhân viên ở đó, qua song sắt. Mọi cảnh quay sang bạn nhân viên thì song sắt đều bị mờ đi gần như không thấy, nhưng quay sang Joker thì song sắt lại hiện rõ.



Đến đây quá rõ ràng, các hình ảnh trên là đại diện cho tình cảnh bị ruồng bỏ của Joker. Hắn luôn đứng bên lề xã hội, bị cách biệt mãi mãi với điều hắn khao khát, dù đó là Sophie, nhà Wayne, vào với mẹ, hay tập hồ sơ sự thật kia, qua một hàng rào phân biệt nào đó mà có lúc hiển hiện rõ ràng có lúc vô hình như tấm cửa bệnh viện trên cao đề hai chữ: Exit only.
b) Lựa chọn giải thoát cho Joker cũng được ẩn dụ bởi một hình ảnh khác, chính là thứ ở bài trước tôi gọi là một trò cheating:
Nhảy múa.
Hắn nhảy từ cảnh mở đầu phim với tấm biển xả hàng, nhảy tối hôm gặp Sophie, nhảy sau khi vô tình giết người, nhảy sau khi giết mẹ, nhảy trước và sau lúc giết Murray, nhảy giữa đám đông, và hẳn nhiên, nhảy lúc kết phim.
Nhảy múa đại diện cho sự tự do của Arthur và quyền lực của Joker. Khi nhảy múa Arthur phô diễn một sự tự tin mà người ta không thấy ở anh thường ngày còn Joker thì hiện ra với tất cả sự ngạo mạn có thể hình dung ở nhân vật ấy. Nhảy múa cũng ẩn dụ cho cách Joker giải quyết bi kịch của đời Arthur. Người bình thường thì đi còn Joker thì vừa đi vừa nhảy. XH giống như đại diện bởi các luật lệ cứng nhắc, và ngôn ngữ cơ thể luôn nhảy nhót của Joker, y như nụ cười không tắt của hắn, ngụ ý rằng hắn sẽ vứt tất cả quy tắc đó vào sọt, sống phóng túng như hắn muốn và lại bắt thế giới nghiêm túc này quy phục.
c) Nhưng nhảy múa chỉ là ẩn dụ, làm sao kết nối nó với phương tiện thật sự đã giúp Joker lên ngôi: Bạo lực?
Hãy xem xét trường đoạn sau:
Arthur mới được đồng nghiệp tặng một khẩu súng. Arthur đi về nhà. Arthur bị kẹt cùng trong thang máy với một cô gái. Chia sẻ nỗi bực dọc, cô nhìn anh rồi làm động tác bắn súng vào đầu, Arthur thấy vui với giao tiếp ngắn ngủi ấy. Chia tay khỏi thang máy, anh ngoái lại gọi cô, nghiêng đầu lặp lại động tác bắn súng để tạm biệt. Arthur về căn hộ, vừa trò chuyện vừa tắm cho mẹ. Tối đến, trong tiếng nhạc trên TV, Arthur cởi trần, nhảy múa một mình, tay vung vẩy súng. Hứng khởi, anh lỡ tay bóp cò. Bà mẹ hốt hoảng hô vọng ra, anh nói mình chỉ đang xem 1 bộ phim chiến tranh. Mẹ anh hô "Shrink it", anh đáp "I'm sorry". Trên tường ngăn với phòng bà mẹ, còn lại 1 vết thủng.
Sáng hôm sau, anh bám theo cô gái ấy – Sophie một đoạn trên đường đi làm. Tối đến, Arthur đang ngồi viết nhật ký thì cô gõ cửa, hỏi chuyện ban sáng, anh thừa nhận, cô đáp "Tôi đã nghĩ anh nên nhảy vào vào cướp chỗ đấy luôn chứ". Anh cười bảo "Thế mai tôi ghé qua vậy. Tôi có súng. "
Nếu đến thời điểm này, bạn vẫn chưa thấy trường đoạn trên - từ lúc có súng đến lần đầu xả súng – từ lúc xả súng đến khi đùa về đánh cướp, chẳng cảnh nào không sặc sụa không khí của sexual innuendos và phallic symbolism, thì tin tốt là đầu óc bạn cũng tương đối trong sáng đấy. Còn tin xấu là vầy bạn ra rạp xem Rated R làm gì cho phí xiền d:
Cảnh trung tâm trong trường đoạn trên là lúc Arthur nhảy múa tay cầm súng. Cảnh đó kết nối hai yếu tố làm nên căn cước của Joker là nhảy múa và bạo lực, bằng cách hoà cả hai vào cùng một dung môi của dục tính – và bản chất dục tính ở đây là dấu ấn nam tính nhằm khẳng định bản thân theo tiêu chuẩn xã hội mà Arthur luôn khao khát.
Khi cái liên kết vô thức giữa bộ ba này được hình thành, từ nay mỗi khi Arthur giết người, hắn sẽ muốn nhảy múa, và mỗi khi hắn nhảy múa, hắn sẽ tự nhiên thu được khoái cảm; điều đã được chứng minh ngay sau đó ở lần giết người đầu tiên, Arthur bỏ chạy rồi chui vào toilet công cộng, ở đây hắn đột nhiên múa vũ ballet và kết cảnh thì giang tay trong một tư thế biểu tượng cho quyền lực.
Liên kết súng = dục tính và dục tính = nam tính thực ra không mới mẻ. Người ta ít ngờ đến ở đây có thể vì chúng là quan niệm quá phổ thông ngoài đời. Song ngay trong điện ảnh, ý tưởng trên cũng là đồ chôm chỉa. Nó được lấy từ một bộ phim mà Joker còn công khai lấy cảm hứng ở nhiều cảnh khác: Taxi Driver.
Và đây là trường đoạn liên quan trong Taxi Driver với nhân vật Bickle Travis, cho đến khoảng giây 0:43 thì mọi sự rõ ràng, không cần giải thích thêm.
Cảnh bắn súng vào đầu Joker sau tự nó cũng reference cảnh kết kinh điển Taxi Driver, mà ý nghĩa với phim sau là kết luận còn với phim đầu là tiên báo, đều ẩn dụ về một cơn điên đẫm máu khởi nguồn từ ảo mộng nam tính.
Cảnh trong Taxi Driver hơi gớm nên tôi không muốn cho vào đây, các bạn có thể tự search: Taxi Driver head shot .
Cảnh bắn súng về phòng bà mẹ và bà mẹ nhắc "xìu bớt đi con", đến đây, hiển nhiên hiểu là ẩn ức Oedip, nhưng ẩn ức này mang nghĩa gì với câu truyện của Joker thì tôi sẽ nói khi khác, giờ ta chỉ cần hiểu cảnh này foreshadow chuyện Joker sau này sẽ giết mẹ.
Mà nhắc đến kỹ thuật foreshadow thì, bài tới sẽ nói tiếp mảnh ghép cuối làm nên thông điệp của Joker.
Chapter 3 - The rat, the cat, and the bat : shorturl.at/BHLX8

No comments:

Post a Comment