QUAN VŨ - TÀO THÁO - GIA CÁT LƯỢNG, ai mới thực sự là Anh hùng, Tuấn kiệt và ai là Gian hùng thiên cổ?
1/ QUAN VŨ
Một trong những tác phẩm văn học tôi tâm đắc nhất là Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Lúc còn nhỏ đọc Tam Quốc, tôi thích nhất là nhân vật Quan Vũ, tức Quan Công, một "soái ca" đúng chuẩn Nho giáo với đầy đủ nhân nghĩa lễ trí tín lại còn uy dũng vô song. Còn ghét thì dĩ nhiên là ghét "đại gian hùng" Tào Tháo. Đây cũng có lẽ là cảm xúc mặc định của những người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa với lối viết đầy tính thiên vị của La Quán Trung. Cho tới sau này khi có dịp đọc Tam Quốc Chí của Trần Thọ, bộ biên niên sử của thời đại Tam Quốc, tôi đã thay đổi cách nghĩ của mình về hai nhân vật nói trên và hiểu rõ hơn về dụng ý của người viết Tam Quốc Diễn Nghĩa trong việc xây dựng hình tượng trung và gian của Quan Vân Trường và Tào Mạnh Đức.
Quan Vân Trường là một hình tượng anh hùng được xây dựng đúng theo khuông vàng thước ngọc của ý thức hệ phong kiến: dũng mãnh, thiện chiến, học thuộc những lý luận của Nho gia và quan trọng nhất là trung thành tuyệt đối với triều đình. Cái anh hùng của Quan Công chỉ nằm ở chỗ dũng cảm gan dạ của một chiến tướng, hay nói một cách khác, đó là cái dũng của một kẻ có sức mạnh nhưng thiếu tầm nhìn chiến lược. Được mô tả như một người văn võ song toàn nhưng những chiến tích lừng lẫy của Quan Vũ suốt truyện Tam Quốc như chém Hoa Hùng, giết Nhan Lương và Văn Sú giữa trận, hay qua năm ải chém sáu tướng của Tào Tháo đều là những chiến công thiên về sức mạnh cơ bắp và sự dũng cảm của một chiến binh. Lần dùng mưu duy nhất của Quan Vũ là đắp đập để nước sông tràn vào thành bắt sống Bàng Đức. Còn nhìn lại suốt cuộc đời làm tướng, tính cách của Quan Vũ bộc lộ những nhược điểm quan trọng:
Quan Vân Trường là một hình tượng anh hùng được xây dựng đúng theo khuông vàng thước ngọc của ý thức hệ phong kiến: dũng mãnh, thiện chiến, học thuộc những lý luận của Nho gia và quan trọng nhất là trung thành tuyệt đối với triều đình. Cái anh hùng của Quan Công chỉ nằm ở chỗ dũng cảm gan dạ của một chiến tướng, hay nói một cách khác, đó là cái dũng của một kẻ có sức mạnh nhưng thiếu tầm nhìn chiến lược. Được mô tả như một người văn võ song toàn nhưng những chiến tích lừng lẫy của Quan Vũ suốt truyện Tam Quốc như chém Hoa Hùng, giết Nhan Lương và Văn Sú giữa trận, hay qua năm ải chém sáu tướng của Tào Tháo đều là những chiến công thiên về sức mạnh cơ bắp và sự dũng cảm của một chiến binh. Lần dùng mưu duy nhất của Quan Vũ là đắp đập để nước sông tràn vào thành bắt sống Bàng Đức. Còn nhìn lại suốt cuộc đời làm tướng, tính cách của Quan Vũ bộc lộ những nhược điểm quan trọng:
- Không biết nhìn người: Lưu Bị vốn chẳng có tài cán gì, mười mấy năm chinh chiến ngoài cái danh hoàng thúc vớ vẩn ra chẳng làm được tích sự gì cả, suôt ngày ăn nhờ ở đậu, bị Lữ Bố và Viên Thiệu coi khinh. Tào Tháo binh hùng tướng mạnh là bá chủ Trung Nguyên đều do thực lực, đáng tôn làm minh chủ. Lưu Bị thua Tào Tháo dạt sang ở đậu Viên Thiệu, Quan Vũ về dưới trướng Tào Tháo 12 năm mà vẫn không hiểu được cái tầm của Tào Tháo. Người ta khen lòng trung của Quan Vũ nhưng cố tình lờ đi việc nhìn người kém cõi của ông, không nhận ra ai có thực tài mà cống hiến.
- Hành động cảm tính: Khi được giao nhiệm vụ trọng yếu là chặn Hoa Dung Đạo để giết Tào Tháo, mặc dù lập quân lệnh trạng sẽ lấy đầu mình thay cho đầu Tào Tháo nếu không giết được Tào Tháo, Quan Vũ vẫn vị tình riêng mà tha cho Tào Tháo khiến cuộc chiến Xích Bích trở nên vô nghĩa vì không đạt được mục đích cuối cùng. Đó là một sự vô kỉ luật không thể châp nhận được trong quân đội nhất là ở vị trí thống soái. Có lẽ Quan Vũ cũng hiểu rằng Lưu Bị sẽ không lấy đầu mình nên mới ngang nhiên kí quân lệnh trạng mà vẫn kháng lệnh.
- Không coi trọng chữ tín: Mặc dù được ngòi bút La Quán Trung ca ngợi đầy đủ nhán nghĩa lễ trí tín, Quan Vũ đã thể hiện sự bất tín của mình khi hùa theo kế mặt dày của Lưu Bị và Khổng Minh mượn Kinh Châu của Đông Ngô không trả với mưu đồ chiếm vị trí chiến lược này làm của riêng. Khi Lỗ Túc mời Quan Vũ sang Đông Ngô để nói rõ phải trái, Vũ giả say bắt Lỗ Túc làm con tin, một hành động hết sức lưu manh nhưng lại được La Quán Trung ca ngợi như một hành động anh hùng và mưu trí đơn đao phó hội.
- Thiếu tầm nhìn chiến lược: Được giao phó mảnh đất Kinh Châu vô cùng chiến lược, là đầu mối giao thông và vận chuyển lương thực của quân Thục với lời dặn "Đông hoà Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo" của Khổng Minh, nhưng khi ngồi giữ Kinh Châu chưa nóng chỗ, Quan Vũ đã làm trái lệnh bằng cách cự tuyệt thông gia với Tôn Quyền một cách vô cùng ngang ngược để rồi chuốc lấy thảm bại mất Kinh Châu và mất luôn cả mạng. Một người cầm quân đánh trận suốt nửa đời người mà tầm nhìn quân sự lại hạn hẹp đến như thế thì có gì đáng ca ngợi?
- Ngông cuồng khinh người: Đây chính là tử huyệt của Quan Vũ. Đánh nhau với lão tướng Hoàng Trung trên 70 tuổi không thắng nổi, nhưng lại không chịu nhận sắc phong ngũ hổ tướng khi biết Hoàng Trung cũng có trong danh sách và gọi Hoàng Trung là "tên lính già" một cách xách mé. Tới khi Gia Các Cẩn được chúa tể Giang Đông Tôn Quyền sai sang Kinh Châu xin kết thông gia để con trai Tôn Quyền lấy con gái Quan Vũ làm vợ, một lần nữa Vũ lại ngạo mạn từ chối bằng câu nói cực kì xúc phạm : " Con gái của loài hổ sao có thể gả cho con của loài chó." Nếu xét về thân phận, Tôn Quyền xuất thân ba đời quý tộc ở Giang Đông, còn Quan Vũ trước khi về với Lưu Bị chỉ là một người bán đậu hũ ngoài chợ. Ngang ngược hơn, Vũ còn đòi lôi ông mai Gia Các Cẩn ra chém mặc dù biết Cẩn là anh ruột của Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị. Và sự kiêu ngạo của Quan Vũ đã phải trả giá đắt khi bại trận vì khinh địch hai tướng trẻ của Đông Ngô là Lữ Mông và Lục Tốn để ôm hận mà chết.
- Đến chết vẫn cố chấp và nhỏ mọn: Khi bắt được Quan Vũ, Tôn Quyền mặc dù bị Vũ làm nhục trước đó vẫn không có ý giết ông một phần vì mến tài, một phần muốn liên kết với Lưu Bị chống Tào, nhưng Quan Vũ nằng nặc đòi chết để bảo toàn khí tiết buộc lòng Tôn Quyền phải mang ra chém. Nhưng sau khi chết, hồn Quan Vũ lại không cam lòng hoá thành quỷ vật chết Lữ Mông, mắng chửi Tôn Quyền rồi vật vờ ở núi Ngọc Toàn đòi trả mạng cho tới khi thiền sư Phổ Tĩnh giảng cho hiểu cái đạo lý đơn giản rằng ông ra trận chém bao nhiêu người sao chẳng ai đòi mạng ông, Vũ mới chịu thôi.
Thật ngạc nhiên khi một võ tướng bình thường, nếu không muốn nói là đầy khuyết điểm như Quan Vũ lại được tô vẽ quá mức và tôn thờ như một gương trung liệt hoàn hảo. Nếu tỉnh táo suy xét việc thờ Quan Công là một chiêu bài chính trị vô cùng khôn khéo của chế độ phong kiến Trung Quốc.
- Khởi xướng việc thờ Quan Vũ không ai khác hơn là Tào Tháo khi Tôn Quyền gửi đầu Quan Vũ cho Tào Tháo để cho Lưu Bị chuyển hướng tấn công. Nhận biết màn gắp lửa bỏ tay người này, Tháo đã chơi chiêu rất cao tay phong chức tước cho Quan Vũ và làm ma chay linh đình với lễ của vương hầu, còn sai làm thân Quan Vũ bằng trầm hương ráp đầu vào an táng. Điều này nhằm mục đích xoa dịu cơn giận của Lưu Bị tránh chiến tranh xảy ra mà còn cho thiên hạ biết mình là người biết trọng trung thần nghĩa sĩ của triều Hán.
- Quan Vũ là nhân vật duy nhất được cả ba đạo lớn của TQ thờ phụng: Khổng giáo phong cho ông làm Võ Thánh, ngang hàng với Văn Thánh là Khổng Tử. Đạo Lão phong Quan Vũ làm Quan Thánh Đế Quân chuyên bảo vệ nghĩa khí trừ tà ma, còn đạo Phật tôn xưng Quan Vũ làm Già Lam Bồ Tát mặc cho ông sinh thời giết người như ngoé. Điều này cũng là một chiêu bài của chế độ phong kiến TQ để giải quyết mâu thuẫn luôn tồn tại của ba tôn giáo Nho, Lão và Phật để dễ bề kiểm soát và cai trị.
- Phong trào thờ Quan Vũ nổi lên thịnh nhất là thời nhà Thanh, một triều đình ngoại tộc không phải người Hán. Rút kinh nghiệm của nhà Nguyên Mông khi xâm lược Trung Quốc bị dân Hán oán ghét, giai cấp thống trị Mãn Thanh khuyến khích lập miếu thờ Quan Vũ để xoa dịu tinh thần chống đối của người Hán và ràng buộc tinh thần trung quân ái quốc của Quan Vũ vào giai cấp nho sĩ, buộc họ noi gương Quan Thánh trung thành với triều đình. Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Uy Hiển Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Tuy Tĩnh Dực Thánh Tuyên Đức Quan Thánh Đại Đế (忠義神武靈佑仁勇威顯護國保民精誠綏靖翊讚宣德關聖大帝) - danh hiệu 26 chữ này là danh hiệu duy nhất dài nhất của ông, dài hơn thụy hiệu tất cả các Hoàng Đế.
Qua những dẫn chứng nêu trên, hình tượng anh hùng của Quan Vũ được dựng nên có dụng ý chứ không hẳn là dựa trên thực tế vì con người thực của Quan Vũ mang đầy những khuyết điểm. Những người tôn thờ Quan Vũ từ bao đời nay đã bị nhồi sọ bởi tư tưởng trung thành tuyệt đối với nhà cầm quyền bất kể sai đúng để bị lợi dụng hi sinh vì hai tiếng "anh hùng".
2) TÀO THÁO
Tào Tháo là một tuấn kiệt đúng nghĩa, nhưng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa dưới ngòi bút của La Quán Trung, ông trở thành nhân vật đại gian đại ác bị đời nguyền rủa. Khác với anh hùng với cái tôi cá nhân quá lớn và trung thành với những lý tưởng cứng nhắc, tuấn kiệt là kẻ thức thời và có tầm nhìn rộng lớn vượt cả sự khen chê tầm thường của người đời để làm nên nghiệp lớn. Tuấn kiệt khi cần có thể hạ mình để bảo toàn mạng sống vì họ biết rằng sứ mạng của mình không thể vì một chuyện vớ vẩn mà bị hủy hoại, còn anh hùng vì muốn để lại chút hư danh, không biết phân nặng nhẹ, cả mạng mình cũng sẵn sàng thí. Hồi 21 trong Tam Quốc, khi ngồi luận anh hùng với Lưu Bị, Tào Tháo đã đưa ra hình ảnh con rồng để nói về một "anh hùng" mà theo tôi đó là hình ảnh của một "tuấn kiệt" như sau: "Con Rồng biến hóa có khi to, khi nhỏ, lúc bay cao, lúc ẩn kín. Khi vươn mình to lớn thì cuộn mây, phun mù. Khi thu hình nhỏ bé để tàng hình ẩn tích. Lên cao thì bay lượn khắp vũ trụ. Tạm ẩn thì chìm lặng dưới ba đào. Nay đang tiết xuân, rồng thừa thời mà biến hóa, cũng như con người gặp khi đắc chí, tung hoành. Con rồng trong loài vật cũng ví như người anh hùng trong đám người." Đây cũng là đoạn tôi tâm đắc nhất khi đọc Tam Quốc.
Nói về tiêu chuẩn "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" của Nho giáo, Tào Tháo không thiếu bất cứ một điều nào, thậm chí "ngũ thường" của Tháo còn vượt xa cái "ngũ thường" tầm thường của bọn hủ nho ngu muội. Tôi sẽ phân tích cho mọi người thấy rõ thế nào là "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín" của Tào Tháo:
- Nhân: Đổng Trác làm thái sư khát máu giết người vô số, biến Lạc Dương từ một kinh thành trù phú thành một đống đổ nát. Tào Tháo làm thừa tướng ngoài thanh trừng những kẻ chống đối, ông không bao giờ lạm sát thường dân. Tháo dẹp loạn chư hầu cũng vì mục đích an dân vì ông thấy dân chúng đã quá khổ sở sau bao nhiêu năm chiến tranh liên miên của lũ chư hầu đầu đất tham lam. Tháo trân trọng thành quả của người dân lao động. Hành động ông ra lệnh cho quân lính khi hành quân qua ruộng lúa phải xuống ngựa nâng từng bông lúa không dẫm đạp bừa bãi, ai trái lệnh chém đầu đã thể hiện được cái nhân của Tào Tháo. Trong thời loạn, mạnh ai nấy cướp mạnh ai nấy giết, có ai nghĩ tới dân như Tào Tháo. Người đời cho việc Tào Tháo giết Lữ Bá Xa là bất nhân, tôi lại cho đó là đại nhân. Khi giết nhầm cả nhà Lữ Bá Xa trên đường bôn tẩu tránh lệnh truy nã của Đồng Trác, Tháo giết luôn Lữ Bá Xa khi gặp ông này mua rượu về đãi mình vì hai lý do: 1. Lữ Bá Xa tuổi cao sức yếu sẽ không chịu nổi đả kích khi thấy cả gia đình mình bị giết khi về tới nhà. Nếu có sống thì ông này cũng vô cùng đau khổ và cũng không có ai chăm sóc lúc tuổi già. 2. Hơn nữa, nếu Lữ Bá Xa báo quan thì chẳng những Tào Tháo chết mà liên lụy luôn Trần Cung đi theo. Đó mới là bất nhân.
- Nghĩa: Nếu không vì nghĩa sao Tào Tháo dám nhận nhiệm vụ nguy hiểm hành thích Đổng Trác? Hành thích không thành, chính Táo là người phất ngọn cờ chống Đồng Trác tới cùng vì Tháo cực kì căm ghét những hành động bất nhân bất nghĩa của Trác. Ngay khi đám liên quân ô hợp chống Đổng Trác dưới sự lãnh dạo yếu kém của minh chủ Viên Thiệu tan rã sau vài trận đánh, Tào Tháo và Tôn Kiên là hai người vẫn kiên quyết chống Trác. Tào Tháo nếu không có nghĩa khí sao có thể thu phục được rất nhiều nhân tài cả văn lẫn võ và điều đặc biệt là tuyệt đối không có một mưu sĩ hay tướng quân nào dưới trướng Tào Tháo làm phản. Quan Vũ dũng mãnh, Lữ Bố cũng là đệ nhất chiến thần nhưng Tháo giết Lữ Bố không thương tiếc vì Tháo ghét Bố bất nghĩa sớm đầu tối đánh. Còn đối với Quan Vũ, Tháo vừa tôn trọng vừa kính phục về nghĩa khí và lòng trung thành nên suốt 12 năm trời Tháo hết mực hậu đãi mặc dù biết Vũ không chịu về với mình. Cũng vì yêu nghĩa khí nên Tào Tháo đã ra lệnh quân lính không bắn tên vào Triệu Vân ở trận Trường Bản để Vân toàn mạng vượt vòng vây bảo vệ ấu chúa về với Lưu Bị.
- Lễ: Tháo dùng lễ đãi Quan Vũ cũng như với các tướng dưới quyền, đối với binh sĩ tình như cha con. Khi thua trận đánh Trương Lỗ, con trưởng Tào Ngang tử trận cùng với mãnh tướng Điển Vi, Tháo làm ma chay cho Điển Vi cũng hậu như làm ma chay cho con mình vì Vi liều mình chặn đường địch cho Tháo chạy thoát. Dưới trướng Tào Tháo có rất nhiều mưu sĩ nổi tiếng như chú cháu Tuân Du, Tuân Úc, Trình Dục…đều là những kẻ xuất thân khoa bảng rất trọng lễ giáo. Không dùng lễ đối đãi họ, họ đâu dễ phục tùng. Thậm chí học sĩ Trần Lâm viết hịch chửi mắng Tháo không tiếc lời, Tháo vẫn dùng lễ đối đãi khiến Lâm quy hàng.
- Trí: Thiên hạ ca ngợi cái trí của Gia Cát nhưng cái trí của Khổng Minh ngoài việc kéo dài chiến tranh liên miên vô ích không có cái tài của kẻ làm kinh tế. Thục lập quốc không bao lâu còn yếu kém, lại bị cách li với trung nguyên do núi non hiểm trở, thay vì tập trung xây dựng kinh tế, Gia Cát dùng trí của mình đi đấu với Tư Mã Ý hết trận này đến trận khác tổn hao biết bao nhiêu nguyên khí và nhân lực của cả hai phe để rồi cuối cùng ôm hận mà chết vì không hạ được Ngụy. Đó không phải là trí. Tháo ngược lại, làm việc gì cũng nghĩ tới chuyện lớn.. Rải rác trong Tam Quốc là những đoạn cơ trí hơn người của Tào Tháo từ chuyện dâng đao cho Đồng Trác khi hành thích không thành, tới chuyện dùng rừng mơ trước mắt để tăng sĩ khí cho đoàn quân đói khát hay mượn đầu quan giữ kho Vương Hậu an lòng quân. Chỉ có Tháo mới có đủ trí tuệ nhận thấy được dã tâm của Lưu Bị đằng sau vẻ ngoài nhân từ chính nghĩa trong chuyện uống rượu luận anh hùng khiến Lưu Bị sợ đến rơi đũa. Tuyệt trí của Tào Tháo là trận Quan Độ với chưa tới bảy vạn quân đã đánh tan đạo quân 70 vạn của Viên Thiệu, cơ bản bình định trung nguyên khỏi cuộc chiến tranh giành quyền lực liên miên của các thế lực quân phiệt.
- Tín: Một kẻ được xem là tráo trở gian hùng như Tào Tháo lại là kẻ chấp tín nhất trong Tam Quốc. Từ Thứ về với Tào Tháo nhưng giao kèo sẽ không hiến kế cho Tào, Tào chấp nhận và không làm khó làm dễ. Quan Vũ về hàng ra với điều kiện trái khoáy sẽ bỏ đi bất cứ lúc nào nếu nghe được tin của Lưu Bị, Tháo chẳng những không giận mà còn thả cho đi, không lệnh cho người truy sát. Ban lệnh cho quân lính không giẫm đạp lúa của dân, ai trái lệnh chém đầu. Tới khi ngựa của Tháo vì hoảng sợ mà xéo nát lúa dân, Tháo chấp tín cắt tóc thay đầu để răn binh lính. Một người chủ soái giữ chữ tín như vậy từ trên xuống dưới muốn thất tín cũng khó.
Ngoài tài năng quân sự xuất chúng, Tào Tháo còn là một nhà chính trị kiệt xuất vì ông có tầm nhìn về kinh tế. Điều này nâng tầm của Tháo lên cao hơn hẳn với bọn hỗn quân hỗn quan chỉ biết cướp bóc hiếp giết. Khi đưa Hán Hiến Đế về Lạc Dương đổ nát do Đổng Trác và sau đó là bọn Lý Thôi và Quách Dĩ cướp bóc đốt phá, Tào Tháo đã xây dựng lại Lạc Dương trù phú và thái bình, thoát khỏi nạn giặc giã kéo dài hơn trăm năm, trở thành kinh đô vững mạnh. Mỗi khi chiếm được một thành nào từ tay các thế lực quân phiệt, Tháo và các tướng đều lo đến việc an cư lạc nghiệp cho dân như làm thủy lợi, giảm thuế khóa, khuyến nông. Các tướng của Tào Tháo như Hạ Hầu Đôn, Nhạc Tiến, Lý Điển đều có công đắp đê, đào kênh dẫn thủy ở khu vực sông Hoàng Hà phát triển nông nghiệp. Và cuối cùng, Tào Tháo còn là một nhà thơ nổi tiếng thời Tam Quốc, cả hai con ông là Tào Phi và Tào Thực cũng có tài thi phú trong đó nổi trội nhất là Tào Thực, với tài "thất bộ thành thi" (đi bảy bước làm xong một bài thơ). Trong ba nhân vật Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền, con cái của Lưu Bị là Lưu Thiện và con Tôn Quyền la Tôn Hạo chẳng làm nên được trò trống gì ngoài việc ăn chơi hưởng lạc đem hết công sức của cha ông đổ sông đổ biển thì cả năm người con của Tào Tháo đều có tài năng và thực lực. Con trưởng Tào Ngang từ nhỏ đã theo cha nam chinh bắc chiến, không may tử trận khi còn rất trẻ. Con thứ hai Tào Chương thống lĩnh quân đội, là một chiến tướng có tài. Con thứ ba Tào Phi từ nhỏ đã có dã tâm không kém cha mình thậm chí còn dám phế vua lập nhà Ngụy, con thứ tư Tào Thực nổi tiếng về tài thơ văn và con út Tào Xung 9 tuổi đã nổi tiếng thần đồng với bài toán cân voi bằng thuyền. Câu "hổ phụ sinh hổ tử" áp dụng vào cha con Tào Tháo quả không sai.
Nếu thử nhìn lại giai đoạn Tam Quốc nếu không có Tào Thào xuất hiện thì chiến tranh loạn lạc lại sẽ tiếp tục xảy ra giữa các thế lực Viên Thiệu, Viên Thuật, Trương Tú, Trương Lỗ, Lữ Bố, Lưu Bị, Tôn Quyền…sinh linh sẽ tiếp tục đồ thán. Nhưng tiếc thay, các sử gia của chế độ Nho giáo không hề khách quan khi nhận xét về Tào Tháo và gán cho vĩ nhân này nhiều tội danh bất công. Tại sao lại như vậy? Có ba nguyên nhân dẫn tới sự khinh miệt đối với Tào Tháo:
- Xuất thân của Tào Tháo: Nếu Lưu Bị là dòng dõi vua chúa nhà Hán, Tôn Quyền gốc gác quý tộc Giang Đông ba đời, Viên Thiệu cũng là gia đình danh gia vọng tộc thì lý lịch của Tào Tháo có một vết đen: cha của Tháo là Tào Tung, vốn họ Hạ Hầu nhưng vì nhà nghèo nên nhận thái giám Tào Đằng làm cha, đổi sang họ Tào. Mà thái giám là thân phận bị khinh rẻ trong xã hội phong kiến cộng thêm loạn "thập thường thị' (mười thái giám) dẫn đến họa Đổng Trác nên xuất thân của Tào Tháo khiến ông bị bọn hủ nho dựa vào đó đả kích kiểu xét lí lịch không trong sạch.
- Cách hành xử của Tào Tháo: Có thể thấy rõ ràng Tào Tháo không hề hành xử đúng chuẩn mực anh hùng của Nho giáo, tự tử để giữ tròn danh tiết. Khi không hành thích được Đổng Trác, Tháo vội quỳ xuống dâng con dao quý để thoát nạn. Khi bị thua trận quân địch truy đuổi phía sau, Tháo không ngần ngại cắt râu để người khác không nhận ra mình, hoàn toàn trái với đạo lý "râu tóc da thịt là của cha mẹ cho ta, không được vô cớ hủy hoại". Khi bị Quan Vũ chặn ở Hoa Dung Đạo, Tháo cũng sẵn sàng xuống ngựa để năn nỉ khóc lóc xin con đường sống. Đối với Nho gia, đây là một điều cực kì sỉ nhục. Nhưng tôi nghĩ Tào Tháo không vì chữ sĩ tìm mọi cách bảo toàn mạng sống không phải vì ông không biết nhục hoặc tham sống sợ chết mà vì ông biết rằng mạng của ông rất quý, phải giữ lại để làm việc lớn. Đó là cái nhìn của kẻ tuấn kiệt thức thời, vượt quá tầm nhìn hạn hẹp của bọn hủ nho chỉ biết đọc sách.
- Sự chuyên quyền lộng hành của Tào Tháo: Đây là nguyên nhân chính khiến Tào Tháo bị bọn Nho sĩ căm ghét vì Tháo lạm quyền bức hiếp Hán Hiến Đế và giết hại những kẻ trung với Hiến Đế. Trong mắt Tháo, Hiến Đế chỉ là đứa trẻ hàng con cháu, mang tiếng là vua nhưng lại bất tài vô dụng, không được Tháo cứu giá thì ngay cả cái mạng cũng không còn. Nên về căn bản, Hiến Đế trên danh nghĩa là vua nhưng Tháo làm sao có thể kính trọng được. So với lũ quan đầu bạc quỳ lạy tung hô một đứa trẻ miệng còn hôi sữa bất tài, Tào Tháo sống thực hơn nhiều. Nhưng Tào Tháo không làm những chuyện vô đạo như Đổng Trác như vào cung gian dâm với cung nữ của vua hay ép vua thoái vị. Ngay cả trước khi qua đời, Tháo vẫn không có ý định soán ngôi vua của Hiến Đế mặc dù về thực lực ông hoàn toàn có thể.
Rõ ràng, hình ảnh Quan Vũ anh hùng theo đúng quan niệm Nho giáo: võ công cao cường, trung thành với chế độ và sẵn sàng tuẫn tiết khi thất bại là một hình tượng của giai cấp phong kiến dựng lên và ca tụng một cách có dụng ý từ tác phẩm "Tam Quốc Diễn Nghĩa" cho tới những đền miếu thờ phụng khiến nhiều thế hệ bị mê muội và cuồng tín, cho rằng đó là tấm gương sáng cần phải noi theo. Nhưng thực tế, nếu những người làm việc lớn ai cũng xử sự lỗ mãng, ngang ngược và cảm tính như Quan Vũ chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại vì họ chỉ có cái dũng tầm thường của kẻ vũ phu mà thiếu cái trí của một chính trị gia có tầm nhìn chiến lược. Tào Tháo là điển hình của một tuấn kiệt thức thời và có đủ tài để thống nhất thiên hạ vượt qua những thứ lễ giáo tầm thường. Tiếc thay những thiên tài kiểu này thường bị ý thức hệ của một giai cấp hoặc chế độ vùi dập. Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Quý Ly và vua Gia Long Nguyễn Ánh là những người như thế. Tuy nhiên, lịch sử rất công bằng, nó sẽ trả lại danh dự và vị trí xứng đáng cho những người có công cho dù điều đó có thể là muộn màng. Để thay đổi vận mệnh của quốc gia và dân tộc, tìm những người vũ dũng và sẵn sàng liều thân để được tôn vinh như Quan Vũ không khó, nhưng để tìm được người sẵn sàng chịu tiếng đời nguyền rủa nhưng làm được đại sự như Tào Tháo quả là khó.
3) Giải độc KHỔNG MINH GIA CÁT LƯỢNG
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung cố tình xây dựng hình ảnh "tam tuyệt": Quan Vũ tuyệt dũng, Tào Tháo tuyệt gian còn Gia Cát Lương tuyệt trí. Say đây tôi sẽ phân tích luôn mảnh ghép cuối cùng của bộ ba tam tuyệt này: Gia Cát Lượng để xem vị quân sư này có phải là tuyệt trí hay không?
Nhiều nhà phê bình đương đại trong đó có nhà văn Lỗ Tấn đã tỏ ra nghi ngờ tài năng thực sự của Gia Cát Lượng. Lỗ Tấn từng phát biểu rằng, dưới ngòi bút của họ La, Lưu Bị hiền đức quá đâm ra giả dối, còn Khổng Minh tài trí quá gần như yêu quái. Nhận xét này không phải là không có căn cứ. Nhưng cho dù có tô vẽ hình ảnh Gia Cát Khổng Minh tài trí đến đâu, La Quán Trung vẫn không thể che giấu được những nhược điểm rõ ràng trong tài cầm quân và dùng người của vị quân sư này.
- Gia Cát Lượng có phải dùng chiêu "ẩn cư thôn dã" để PR tên tuổi của mình? Gia Cát được miêu tả là bậc kì tài, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, dùng binh như thần. Thậm chí trong giang ho còn đồn đãi "Ngoạ Long (Gia Cát Lượng) và Phụng Sồ (Bàng Thống), có được một trong hai người ắt sẽ đoạt được thiên hạ." Và để tỏ ra mình tài giỏi hơn người, Khổng Minh chọn chiêu "ẩn cư nơi thôn dã" không màng chính sự, không tham danh lợi. Tôi mạo muội đưa ra giả thuyết, GCL sắp đặt mọi thứ để được Lưu Bị mời ra trọng dụng vì trong suốt thời gian ở ẩn, tại sao Tào Tháo và Tôn Quyền không hề biết đến tên tuổi GCL mặc dù họ cũng rất trọng người tài? Thậm chí Từ Thứ, tài được coi là kém tài hơn GCL còn bị Tào dùng mọi thủ đoạn để moi ra cho bằng được thì không cớ gì GCL lại bị bỏ qua không đếm xỉa tới. Cái câu "Ngoạ Long Phụng Sồ" là một chiêu quảng cáo do chính GCL nghĩ ra để tự lăng xê tên tuổi vì ngoài Thuỷ Kính tiên sinh là thầy Khổng Minh và Từ Thứ là bạn tâm giao, chẳng ai nói câu này cả. Trên thực tế, nếu Lưu Bị không bị Thuỷ Kính và Từ Thứ dẫn dụ một cách khéo léo mà mời GCL ra giúp, rất có khả năng Gia Cát sẽ thất nghiệp ở quê làm nông suốt đời.
- Gia Cát Lượng xuất hiện khiến cục diện trở nên rối ren hơn: Chính GCL trong thời gian nằm khểnh ở nhà rảnh rỗi sinh nông nổi nghĩ ra cái trò chia ba thiên hạ thay vì để Tào Tháo thống nhất thiên hạ vì trên cơ bản Lưu Bị tại thời điểm đó không phải là đối thủ của Tào Tháo, muốn triệt rất dễ. Lượng mượn danh giúp Lưu kháng Tào khôi phục Hán thất chẳng qua là muốn lợi dụng thời thế để tạo dựng tên tuổi trên vũ đài chính trị. Nếu GCL có tài xem thiên văn đoán được vận mệnh quốc gia, chẳng lẽ ông không hiểu được khí số của Hán triều qua 400 năm đã tận không thể khôi phục được. Đó âu cũng là tuần hoàn của tự nhiên. Vậy GCL cãi mệnh trời phò tá Lưu Bị kéo dài chiến tranh vì đại nghiệp hay vì bản thân muốn được sử sách lưu danh?
- Chu Du quyết tâm trừ khử Gia Cát Lượng có phải vì lòng dạ hẹp hòi đố kị? TQDN miêu tả Chu Du là một tướng tài nhưng luôn đố kị với tài năng của Khổng Minh nên bị Khổng Minh trêu tức ba lần mà hộc máu chết. Tôi không nghĩ như vậy. Chu Du quyết giết chết Khổng Minh không phải vì lòng ganh ghét hẹp hòi mà vì Du thấy rõ được sự xỏ lá tráo trở của Lượng khi hợp tác trong trận Xích Bích. Trận Xích Bích là công sức của chúng tướng Đông Ngô, mưu trí của Chu Công Cẩn và sự hi sinh xương máu của tướng sĩ Giang Đông. Gia Cát mang tiếng hợp tác nhưng chỉ phe phẩy quạt lông ngỗng khích bác, bày kế nhỏ mượn tên và xỏ lá bày trò cầu gió Đông (trên thực tế, Lượng đã xem thiên văn biết chắc chắn gió Đông sẽ nổi lên trong thời khắc đó lên vờ vịt lập đàn cầu đảo). Khi quân Đông Ngô trực chiến với quân Tào, quân Lưu Bị nhận nhiệm vụ đuổi giết tàn binh của Tào Tháo hết sức nhẹ nhàng. Đã vậy Quan Vũ còn không giết được Tào Tháo mà cũng chẳng bị trách phạt gì ngoài màn kịch lấy đầu mình tạ tội. Đến khi chia chiến lợi phẩm, quân Lưu nghiễm nhiên nuốt Kinh Châu, yết hầu của Đông Ngô, với danh nghĩa mượn mà không bao giờ trả. Gia Cát Lượng chơi cha thiên hạ thế, Chu Du không điên mới là lạ. Lượng lợi dụng sự nhân hậu thật thà của Lỗ Túc để chơi chiêu mặt dày không trả Kinh Châu càng khiến cho Chu Du thấy được sự bất tín của Lưu và Gia Cát. Do đó việc Chu Du tìm mọi cách trử khử Khổng Minh có thể nó không phải vì tình riêng mà là vì đại nghiệp của Đông Ngô. Chỉ có thể nói Du ganh ghét tài của Lượng nếu hai người cùng thờ một chủ, còn rõ ràng ai thờ chủ nấy. Nhân nhượng với địch là tự hại mình.
- Khổng Minh có biết dùng người? Là một chủ soái, việc dùng người của Khổng Minh bộc lộ những nhược điểm sơ đẳng: biết không dùng được vẫn dùng. Dùng Quan Vũ trấn Hoa Dung Đạo khi biết Vũ có giao tình với Tào Tháo phải chăng là một sơ suất trong việc dùng người hay chủ ý của GCL cố tình tha Tào Tháo để tiếp tục duy trì thế chân vạc vì lúc đó Lưu Bị còn chưa có đủ lực để đấu với Đông Ngô. Lần thứ hai, Lượng dùng Quan Vũ trấn Kinh Chấu yếu địa dù biết Vũ ngông cuồng tự cao tự đại. Kết quả Kinh Châu mất, Quan Vũ tán mạng dẫn đến cái chết của cả Trương Phi và Lưu Bị kô lâu sau đó. Tới khi đánh Nguỵ, Gia Cát lại khinh suất giao con đường tải lương Nhai Đình cho Mã Tốc, kẻ chỉ biết dùng binh trên giấy chứ không có kinh nghiệm thực tiễn. Kết quả Nhai Đình mất, quân Thục mất đường tiếp lương phải quay về không đánh được Trung Nguyên. Dùng người như thế sao có thể gọi là tuyệt trí được?
- Gia Cát Lượng có trọng nhân tài?
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, tác giả chưa bao giờ đưa ra được lời giải thích cụ thể và thuyết phục tại sao Lượng lại ghét Ngụy Diên đến thế và luôn tìm cách đưa Diên vào chỗ chết. Ngay từ ngày Ngụy Diên giết Hàn Huyền và đưa Hoàng Trung về đầu quân cho Lưu Bị, Khổng Minh đã vô duyên vô cớ đòi lôi Ngụy Diên ra chém vì một cái cớ hết sức tào lao: "Ngụy Diên có tướng phản cốt sau gáy, ở với chủ mà hại chủ, trước sau gì cũng gây họa." Nhìn mặt người lần đầu tiên mà thấy được luôn cục xương phản phía sau gáy nơi bị mũ trụ che khuất thì tôi phải lạy và gọi bằng thánh. Tuy không giết được Diên lúc đó, nhưng lời phán "Diên có tướng phản" là bản án treo lơ lửng trên đầu vị tướng này. Trong quá trình về với Lưu Bị, Diên chứng tỏ mình thực sự có tài, lập được nhiều công lớn. Sau khi ngũ hổ tướng mất đi bốn người, Ngụy Diên cùng Triệu Vân là hai hai võ tướng rường cột của Thục. Lưu Bị phong cho Diên chức tiền quân sư, Chinh Tây tướng quân, Hán Trung thái thú và phong tước Nam Trịnh Hầu, cùng tước vị với Gia Cát Lượng là Vũ Hầu. Điều đó cho thấy Bị đối đãi với Diên không hề kém Khổng Minh. Tôi đặt ra giả thuyết đây là nguồn gốc của mọi đố kị trù dập mà Lượng dành cho Diên.
Khi quân Thục đánh Ngụy, Lượng làm chủ soái, Diên làm phó soái. Những công việc được Lượng giao, Diên đều làm tròn trách nhiệm, không hề lơ là, chỉ có thắng chưa chưa từng thua. Thậm chí Diên còn nhiều lần giải vây cho Lượng. Vậy mà khi Diên đưa ra nhiều kế hoạch tác chiến, tiêu biểu là việc đi tắt qua hang Tí Ngọ đánh Tư Mã Ý thay vì đi ngõ Tà Cốc, Lượng lại gạt phăng khiến cho việc vượt Kỳ Sơn thất bại. Rõ ràng trong thời gian Lượng bắt buộc phải dùng Diên, Lượng chỉ sai Diên làm theo ý mình chứ chưa từng coi trọng những đóng góp của Diên. Thâm hiểm hơn, trước khi chết, Lượng còn quyết giết Diên cho bằng được bằng cách bày ra cái trò cúng sao để kéo dài mạng sống, nghiêm cấm quân sĩ không cho người ngoài ra vào quấy nhiễu nhưng thầm dặn tả hữu nếu thằng Diên nó vào thì cứ để nó xông vào để tao đổ vạ lên đầu nó. Ngụy Diên quả nhiên rơi vào bẫy bị phe thân Lượng cô lập vì nghĩ rằng chính vì Diên mà Lượng phải chết, gián đoạn sự nghiệp kháng Ngụy. Không dừng ở đó, Lượng còn viết cẩm nang dặn Mã Đại phải trừ khử Ngụy Diên sau này, một mặt xui bọn Dương Nghi làm khó Diên đủ điều. Bị ép tới đường cùng, Ngụy Diên dẫn quân về muốn đối chất nói chuyện phải trái thì a lê hấp, anh Đại từ đâu xông ra hô lớn: "Ta phụng mệnh thừa tướng chém chết phản tặc" rồi lấy đầu Diên trong khi ông này còn chưa kịp hiểu mô tê ất giáp gì. Người đời bảo Du đố kị người tài, tôi thấy Lượng mới là kẻ thâm hiểm khôn cùng. Lượng quyết tâm trừ khử Diên là muốn dọn đường cho đệ tử Khương Duy lập công sau này. - Gia Cát Lượng có lặp lại kịch bản "khống chế vua để điều khiển chư hầu" của Tào Tháo? Trước khi lâm chung ở thành Bạch Đế, Lưu Bị lúc này đã xưng làm Hán Trung Hoàng Đế đã thử lòng Lượng lần cuối bằng cách giả vờ trối rằng: "Thằng Đẩu con ta lúc nhỏ vì ta chơi dại quăng nó xuống đất bây giờ thiểu năng mẹ nó rồi. Ông giúp được thì giúp, không được thì phế nó rồi tự lên làm hoàng đế cho vuông." Chỉ cần Lượng gật đầu cái rụp là thế nào bên trong Triệu Vân núp sau rèm cũng sẽ vung kiếm nhào ra hô lớn: "Bắt lấy phản tặc!" Nhưng Lượng đâu có ngu để rơi vào cái bẫy của Bị vì Lượng đã học được chiêu cao tay của Tào Tháo không lên làm vua, chỉ làm thừa tướng nhưng quyền lấn cả vua. Khi A Đẩu Lưu Thiện lên ngôi, Lượng để cho Thiên cứ thế ăn chơi hưởng thụ còn mình thao túng binh quyền trong tay cố chấp đánh Ngụy chín lần bại hết cả chín. Khi bọn Phí Vỹ và Pháp Chính nhận ra dã tâm của Lượng khuyên Lưu Thiện triệu hồi Lượng về cung không cho tiếp tục đánh nữa vì tốn hao ngân khố quá nhiều, Lượng về triều làm mình làm mẩy bảo Lưu Thiện không biết công lao khó nhọc của lão thần mà nghe lời gian nịnh khiến Thiện không biết làm thế nào lại để Lượng tiếp tục đánh Ngụy. Có thể thấy mọi sự lớn nhỏ của triều Thục đều do thừa tướng quyết định chứ vua không hề có thực quyền.
- Gia Cát Lượng, công thần hay tội thần? Nhắc đến Gia Cát Lượng cũng như Quan Vũ, từ trước đến giờ tôi chỉ nghe thiên hạ luận công nhưng chưa ai kể tội. Đó là một luận điệu mang tính rập khuông và bị dẫn dắt có mục đích của giai cấp thống trị khiến những người đọc thiếu chính kiến bị mê muội nghe theo. Nếu tước bỏ cái lớp vỏ bọc "trung quân ái quóc" ma bọn hủ Nho ngu dốt tô vẽ cho Gia Cát Lượng, con người này sẽ hiện nguyên hình là một tên tội phạm chiến tranh khét tiếng đem tính mạng của vô số tướng sĩ ba nước Ngụy, Thục, Ngô nướng vào hết cuộc chiến vô nghĩa này tới cuộc chiến vô nghĩa khác để nhằm mục đích: gây dựng tiếng tăm cho bản thân mình.
Đầu tiên, Khổng Minh không chọn đầu quân cho Tào Tháo hoặc Tôn Quyền mà nhất quyết phải chờ Lưu Bị thỉnh ra vì hai lý do. Cả Tào Tháo và Tôn Quyền đều đã có quá nhiều mưu sĩ, Lượng có đầu quân cũng chưa chắc có dịp trổ tài. Trong khi đó Lưu Bị ngoài đám võ tướng Quan, Trương, Triệu không hề có một mưu thần nào có tầm, về với Bị chẳng phải là có nhiều cơ hội thăng tiến hơn sao? Lý do thứ hai, Lưu Bị tuy chẳng có gì trong tay nhưng được cái danh hoàng thúc. Giúp Lưu Bị chính là giúp nhà Hán, Lượng có thể danh chính ngôn thuận để thao túng thiên hạ theo ý mình mà còn được khen "trung quân ái quốc" chứ không bị xem là "loạn thần tặc tử" như Tào Tháo.
Bước tiếp theo, Lượng bày ra thế chân vạc chia ba thiên hạ, kích động cho Ngô Ngụy đánh nhau tiêu hao lực lượng cả hai bên và chiếm Kinh Châu làm căn cứ địa từ đó tiến đánh Ba Thục, Tứ Xuyên của Lưu Chương để lập nên nước Thục. Việc làm này đã khiến cho công cuộc thống nhất Trung Nguyên của Tào Tháo không thể thực hiện được và chiến tranh lại tiếp tục kéo dài. Trong ba nước, Đông Ngô luôn là nước chủ hòa nên Tào Tháo và Tôn Quyền hoàn toàn có thể thương thuyết với nhau để đi tới một kết cục hòa bình nếu không có Lượng chọc ngoáy khiêu khích để gây ra trận Xích Bích khiến hai bên trở thành đối đầu, tốn hao lực lượng để Lưu Bị ngồi giữa làm ngư ông đắc lợi. Nhờ trận Xích Bích, Lượng nổi danh như một quân sư đa mưu túc trí được thiên hạ chính thức biết đến danh tiếng. Tiếng tăm anh Lượng giờ đây lọt top những quân sư hot nhất của thời đại từ cái mốc Xích Bích này.
Vào được đất Thục, Lượng khuyên Lưu Bị lập làm hoàng đế, bản thân mình làm thừa tướng và giương lên ngọn cờ chính nghĩa "khôi phục Hán thất, thống nhất giang sơn". Đây quả là một trò gian trá lừa được nhiều kẻ ngu muội vì Hán thất vốn không thể khôi phục khi Lưu Thiện là kẻ bất tài vô dụng. Hơn ai hết Lượng hiểu rõ điều đó nên ông không ngu đến nỗi hao tâm tổn sức để mang giang sơn về dâng cho một thằng ngốc. Còn "thống nhất giang sơn" điều này chẳng phải nếu không có Lượng xen vào thì Tào Tháo đã thống nhất giang sơn từ lâu rồi sao? Chín lần xuất quân đánh Ngụy, tiêu tốn hết biết bao nhiêu tiền của, hi sinh biết bao nhiêu sinh mạng của tướng sĩ hai bên cũng chỉ đưa quân Thục đến tới Kỳ Sơn là hết mức, cơ bản chưa thể gọi là đặt chân vào biên giới của nước Ngụy. Tôi tin Khổng Minh hiểu được điều đó hơn ai hết nhưng vẫn kiên trì sứ mạng vì một mục đích duy nhất, được ghi danh thiên cổ như một công thần của nhà Hán. Cuối cùng thì Vũ Hầu Gia Cát Khổng Minh cũng đạt được tâm nguyện ghi danh sử sách nhưng đó là sử sách của phe bảo hoàng và Nho giáo và bọn dân ngu. Chính nhờ bọn sử quan Nho giáo mà công lao của Lượng thì được bốc lên mây còn bao nhiêu tội trạng đều không nhắc tới. Theo tôi, câu PR bản thân mà Gia Cát Lượng đã đưa ra từ lúc nằm trong lều tranh: "Có được một trong hai người Ngọa Long và Phụng Sồ, thế nào cũng có được thiên hạ." đáng được xem là một trong những chiêu trò quảng cáo sản láo toét phẩm kinh điển nhất mọi thời đại. Thực tế chứng minh là Lưu Bị đã có được cả hai Long và Phụng nhưng nào có được thiên hạ. Buồn cười thay là thiên hạ đời sau vẫn tin như sấm câu nói dối này.
Nếu chiếu theo luật pháp quốc tế hiện đại thì Gia Cát Khổng Minh rất có thể sẽ bị lôi ra tòa án binh để xét xử về như một tội phạm chiến tranh với những cuộc chiến vô nghĩa liên miên làm chết mấy chục vạn người. Chỉ nội việc để Man Vương Mạnh Hoạch tâm phục khẩu phục đầu hàng, Khổng Minh bày kế bảy lần bắt bảy lần thả và phóng hỏa đốt chết mấy vạn quân giáp mây của Mạnh Hoạch trong thung lũng cũng đủ Lượng bị kết tội diệt chủng rồi. Có người sẽ nói rằng, Gia Cát Lượng không nghĩ gì tới việc hưởng thụ cho bản thân, đến lúc chết mặc dù làm thừa tướng nhưng gia cảnh vẫn thanh bần. Nhưng tham vọng của một người đâu chỉ dừng ở vật chất tầm thường? Cái mà Lượng đạt được vượt quá cái vinh hoa phú quý hay giang sơn mà là sự tôn sùng của hậu thế. Tẩy não và lừa bịp được hết thế hệ này sang thế hệ khác, GIA CÁT LƯỢNG MỚI CHÍNH LÀ ĐẠI GIAN HÙNG CỦA THỜI TAM QUỐC.
Nguồn: Vien Huynh, edit và post: Lý Dật Thụ.
No comments:
Post a Comment