BẢN KẾ HOẠCH KINH DOANH
Không ngờ cũng có ngày McDonald’s đã có mặt ở Việt Nam. Một trong những câu hỏi mà những ai có quan tâm đến sự kiện này là liệu chuỗi nhà hàng lớn nhất thế giới này có thành công ở thị trường Việt Nam như các nơi mà họ đã từng đi qua hay không. Một số người tiên đoán là khó, vì cái bánh hamburger cũng chưa thật sự là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, cộng thêm giá cả cũng còn mắc mỏ so với túi tiền của người dân. Nhưng để trả lời câu hỏi là McDonald’s có thành công ở thị trường Việt Nam hay không, theo tôi là phải dựa vào bản kế hoạch kinh doanh của họ, chứ không phải chỉ nhìn vào lượng khách vào ra ở mỗi cửa hàng.
Nghĩa là, nếu mọi thứ đang diễn ra đúng với những gì công ty McDonald’s tại Việt Nam mong muốn hay kế hoạch, từ số lượng cửa hàng cho đến doanh số, thì có thể nói là họ đã thành công. Còn ngược lại thì là không thành công. Đó mới là điểm mấu chốt của vấn đề. Và nó nói lên tầm quan trọng của một bản kế hoạch kinh doanh.
Amazon.com tuy đã bắt đầu bán được sách từ năm 1995 nhưng mãi đến tận 16 năm sau, năm 2011, mới bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ làm các nhà sáng lập và nhà đầu tư vào Amazon phải nao núng hay thất vọng, nhất là trong thời kỳ cuối thập niên 90 khi hàng loạt các dự án dot.com bị sụp đỗ. Vì họ đã có một kế hoạch kinh doanh rất dài hạn và đã chuẩn bị tinh thần chịu lỗ trong nhiều năm trước khi gặt hái thành công về mặt tài chính.
Đó là những dự án kinh doanh to lớn. Còn đối với một nhà hàng nhỏ lẻ thì không thể nào chấp nhận một thời gian chờ đợi quá lâu như vậy. Các nhà hàng độc lập mà tôi từng mở có mốc thời gian là từ 6 tháng đến một năm. Nói khác hơn, tôi thường dự trù nhà hàng mình sẽ chịu lỗ ít nhất là 6 tháng và tối đa là một năm. Đó là con số tương đối bảo thủ, vì trên thực tế đa số nhà hàng đã bắt đầu có lãi sau mấy tháng khai trương. Bảo thủ, cẩn thận là một nguyên tắc vàng trong mọi tính toán.
Phải nói bản kế hoạch kinh doanh là một công cụ rất hữu hiệu và cần thiết. Nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, và là thước đo công bằng cho sự thành công hay thất bại. Nó giúp người viết ra nó cảm thấy bình tâm hơn, vì ít ra tất cả những gì quan trọng nhất đã được cân nhắc, suy nghĩ. Nó là một tài liệu quý giá để đối chiếu, tham khảo cho những dự án sau này. Nó làm nền tảng để đi vay tiền hay thuyết phục các nhà đầu tư. Nên không có lý do gì mà không viết ra nó.
Bản kế hoạch kinh doanh soạn cho riêng mình dĩ nhiên có khác với cái dành cho ngân hàng hay các nhà đầu tư. Nhưng dù đối tượng nào đi nữa, tôi cũng muốn nó ngắn gọn, không hoa hoè, không dao to búa lớn, không dư một chữ nào, và đi thẳng vào vấn đề. Trong đó bắt buộc phải có một số ý khát quát về mô hình kinh doanh của nhà hàng, về thành phần, đối tượng khách mà mình nhắm tới, về chiến lược giá cả, marketing và đường hướng phát triển sau này, một bảng dự toán đầu tư và dự toán kinh doanh lãi lỗ, rồi chừng nào lấy vốn. Dĩ nhiên tôi cũng không quên ghi chú là nguồn tài chính sẽ đến từ đâu, ai sẽ là người cùng đầu tư trong dự án này.
Một điều quan trọng là dù đối tượng sẽ đọc bản kế hoạch kinh doanh của mình là ai đi nữa, nó cũng nên được viết ra một cách chân thành, không tô vẽ quá mức. Bây giờ đọc lại các bản kế hoạch kinh doanh cũ của các nhà hàng trước đây mới thấy nó cũng có cái hồn của nó chứ không phải chỉ là mấy con chữ, con số. Nó như một lá thư tình được viết ra với tất cả tâm tư, tình cảm chứ không phải những lời nói suông hay những lời có cánh. Nó cũng phản ảnh phần nào độ chính chắn của người chấp bút trải dài theo trình tự thời gian. Rõ ràng là càng về sau thì càng bài bản và càng có chiều sâu hơn. Bản kế hoạch kinh doanh của tiệm Phở 24 đầu tiên tại số 5 Nguyễn Thiệp chỉ vỏn vẹn một trang giấy A4 mà tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Khởi nghiệp như là tờ giấy trắng, tuy ít chữ nhưng chữ nào viết ra cũng nắn nót và cả một tấm lòng trong đó. Mười mấy năm qua cái vèo…
(Trích đoạn trong cuốn sách dự kiến xuất bản vào tháng 9/2016 , mang tựa đề “Chỉ Có Niềm Đam Mê - 20 điều chia sẻ cùng người khởi nghiệp”, tác giả Lý Quí Trung, NXB Trẻ)
from here:
from here:
https://www.facebook.com/groups/QuanTrivaKhoiNghiep/permalink/1811959302356443/
No comments:
Post a Comment