Bàn về nông sản, thủy sản ở Việt Nam, chúng ta hay nhắc đến 4 chữ "Thương lái Trung Quốc". 4 chữ này thường gây ác cảm và câm phẫn trong lòng đa số nhân dân Việt Nam khi nông sản, thủy sản rớt giá. Thực tế vẫn chỉ là một trong nhiều cách mà nhân dân ta vẫn dùng để bài Tàu mù quáng.
Trước tiên phải khẳng định rằng bà con trồng cây gì, nuôi con gì đều đã xác định đến vụ thu hoạch hay đến lứa xuất chuồng sẽ bán cho Trung Quốc.
Lí do đầu tiên không phải vì Trung Quốc gần, người Trung Quốc đông mà vì thị trường Trung Quốc dễ tính. Thương lái Trung Quốc đến chỉ tay một phát gom gọn cả vườn, cả ao, cả chuồng. Con to, con nhỏ, quả vẹo, quả tròn, đều được mua tuốt. Nồng độ kháng sinh hay chất bảo quản, chất kích thích không phải lăn tăn. Kiểm duyệt gì đâu mà. Bà con nhìn ngay thấy cái lợi là chả phải đầu tư nâng cao kỹ thuật canh tác, xây dựng chất lượng sản phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn trời, trăng gì mà lại còn được tiếng xuất khẩu số lượng lớn. Tưởng vậy là khôn, bà con trồng bạt ngàn, nuôi ồ ạt. Tất nhiên đến khi số lượng nhiều, chất lượng ngày càng kém thì việc rớt giá là bình thường. Việc thương lái Trung Quốc có vụ không mua nữa cũng là thuận tự nhiên. Bản thân các anh chị khi đi chợ cũng vậy, chả có lí gì tôm cá hôm nay bé hơn hôm trước, ê hề hơn hôm trước mà giá lại như hôm trước. Các anh chị tất nhiên sẽ mặc cả chán chê rồi có khi xách đít bỏ đi vì nghĩ chả đáng đồng tiền. Thế nên bảo thương lái Trung Quốc chơi xỏ bà con là không trung thực cho lắm.
Lí do thứ hai khiến bà con chuộng thương lái Trung Quốc (chứ không phải thương lái Trung Quốc bỏ bùa bà con) là vì Trung Quốc gần. Khoảng cách địa lý Việt Nam - Trung Quốc đáp ứng mô hình sản xuất của bà con: xem nhẹ, thậm chí bỏ ngỏ khâu chế biến, công tác thu hoạch, bảo quản kém. Cùng lúc đó, Thái Lan, Indo, Ấn Độ cũng xuất khẩu những mặt hàng tương tự nhưng đã qua chế biến với điều kiện bảo quản tốt hơn hẳn. Thương lái Trung Quốc có quá nhiều lựa chọn, ngược lại nông sản thủy sản của bà con thiếu tính cạnh tranh, vậy nói thương lái Trung Quốc chơi xỏ bà con có đúng hay không ?
Lí do thứ ba khiến bà con phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc là tư duy trời sinh voi sinh cỏ. Bà con vẫn truyền mồm từ đời cha sang đời con cái câu "giá xuống rồi lại lên" và bảo ban nhau tăng quy mô diện tích nuôi trồng. Bà con chỉ nghĩ đến giá, còn ai trả giá ấy thì bà con không quan tâm. Giống như một hội người mù cùng nhau lao vào đêm tối với niềm tin ngày mai trời lại sáng. Thế nên trước khi bà con trở nên phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc thì bà con đã coi việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình là việc của người khác.
Thứ tư là bà con thích đi đêm. Xuất tiểu ngạch trước nay vẫn là cách bà con thực hiện giấc mơ vươn đến một ông sao. Xuất tiểu ngạch thì chỉ có thể qua thương lái Trung Quốc chứ thương lái xứ khác không làm được (Lào, Cam tính làm gì nhỉ).
Có bạn mạnh dạn còm trong một bài viết của mình rằng Việt Nam sẽ thoát Tàu nhờ vào việc xuất khẩu sang các thị trường khác. Bạn nói rất hay một cách rất lý thuyết. Trong khi đó, bà con ta không hề có ý thoát Tàu và mở rộng thị trường sang Châu Âu. Ngược lại thị trường Châu Âu có rất nhiều điểm chung với thị trường Trung Quốc: dân đông nhiều vùng nằm sâu trong lục địa, nên rất thèm hải sản. Đấy chưa kể là thị trường Châu Âu, thu nhập đầu người cao, dân tình rất cởi mở về khẩu vị, 1 tuần 7 ngày họ ăn 21 bữa theo kiểu 21 quốc gia là chiện bình thường. Cơ mà thoát Tàu có nghĩa là phải bỏ cách làm ăn xổi ở thì mà bà con đã gây dựng, đúc kết, bảo tồn suốt hơn 4000 năm nay. Cơ mà muốn mang nông sản, thủy sản sang Châu Âu thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn dịch tễ, nguồn gốc, xuất xứ. Châu Âu lại xa xôi, đồng nghĩa với việc bảo quản phải tốt. Dân Châu Âu quen thói ăn sẵn, tức là phải đầu tư khâu chế biến. Đừng nói những điều đó với bà con, chỉ nghe thôi bà con cũng đã muốn bán đất để đi làm công nhân. Hãy cứ để người Thái Lan, người Ấn Độ, người Indo làm những việc đó, nhất là họ vẫn luôn luôn làm tốt hơn bà con ta.
Đọc đến đây thì ai nấy đều đã hiểu ra rằng nông sản, thủy sản Việt Nam với cách tư duy kiểu "vườn ao chuồng" đã được thương lái Trung Quốc giải cứu. Ơn giời thương lái Trung Quốc đây rồi.
P/s: khổ nỗi từ đầu năm 2019 để xuất được sang Trung Quốc bà con phải đăng ký với cơ quan quản lý theo đúng quy hoạch, việc xuất tiểu ngạch đã bị Trung Quốc xiết chặt. Kết quả là hơn 300 tấn tôm gối đầu vụ trước tại Khánh Hòa, không xuất sang Trung Quốc được mà chỉ có thể làm tôm chua Huế. Thôi thì cũng coi là 300 tấn tôm kia đã thoát Tàu thành công.
No comments:
Post a Comment