Search This Blog

Saturday, 14 December 2019

HIỂU THẾ NÀO VỀ MÔ HÌNH KINH DOANH?

HIỂU THẾ NÀO VỀ MÔ HÌNH KINH DOANH?

(MHKD ai cũng nói và nói rất nhiều. Tôi chỉ giải thích lại theo cách dễ hiểu nhất cho mọi người không "tẩu hỏa"!)

Bạn định kinh doanh bún bò. Bạn phải tính toán là bạn sẽ kinh doanh kiểu gì. Bạn phải trả lời ít nhất 9 câu hỏi sau:

1. Đầu tiên, bạn phải xác định khách hàng chủ yếu của bạn là ai. Công nhân, sinh viên, giới văn phòng, hay các chị ăn hàng ngoài chợ? (Phân khúc khách hàng)

2. Kế đến bạn phải tự hỏi giá trị chủ yếu mà bạn mang lại cho khách hàng là gì? Nước lèo cực ngon; gia vị có mùi vị đặc biệt; chỗ ngồi thoáng mát; thịt bò cực mềm; hay cô bán bún có nét mặt dễ thương với làn da trắng mịn? (Giá trị mang lại)

3. Rồi bạn phải xác định là bán tại chỗ hay giao hàng tận nơi – có bưng vào tận xưởng cho công nhân sản xuất gần đó, có giao tận căn-tin trường học, có đóng hộp sẵn cho người qua đường ghé lấy, hay chỉ phục vụ tại chỗ…? (Kênh phân phối)

4. Quan hệ của bạn với khách hàng thế nào – phục vụ từng lần cho người đến ăn tại chỗ; hợp tác bán sỉ cho tổ chức, đơn vị nào đó; giữ mối bằng cách giao hàng đều đặn đúng giờ cho một loạt khách hàng riêng lẻ ở cùng địa bàn…? (Quan hệ khách hàng)

5. Doanh thu của bạn sẽ lấy từ đâu - từ từng tô bún được bán ra, từ việc cho thuê lại một phần mặt bằng cho bà bán nước và thuốc lá, từ việc dạy nghề bán bún bò cho những người đến học nghề; hay từ tiền bo của các anh dành cho cô bán bún xinh đẹp…? (Dòng doanh thu)

6. Nguồn lực chính của bạn là gì? Trang trại nuôi bò thịt cực ngon? Mặt bằng kinh doanh tuyệt đẹp? Tài chính mạnh? Người nấu bún có bí quyết gia truyền? Bạn có mối quan hệ cực tốt với khách hàng đến ăn? Bạn sẵn có con cháu trong nhà làm nhiệm vụ phục vụ? (Nguồn lực chính)

7. Hoạt động chính của bạn là gì? Tự nấu nước lèo (hay mua), tự sản xuất bún tươi (hay mua), chọn mua rau (hay tự trồng), bày biện bàn ghế, điều hành bưng bê phục vụ, rửa bát, về sinh quán? (Hoạt động chính)

8. Đối tác của bạn là ai? Người bán thịt, người bán bún, người cung cấp rau, người cho thuê mặt bằng, người đổ rác hàng ngày…? (Đối tác chính)

9. Cơ cấu chi phí thế nào? Tiền thuê mặt bằng, tiền thịt, tiền xương, tiền bún, tiền rau, tiền thuê đầu bếp, tiền thuê phục vụ bưng bê…? (Cấu trúc chi phí)

Kinh doanh bất cứ thứ gì, hãy trả lời đầy đủ và cẩn trọng các câu hỏi trên, bạn sẽ có một mô hình kinh doanh. Còn mô hình KD này hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc vào mức độ tối ưu của những chọn lựa của bạn ở từng câu trả lời, và sự phối hợp tối ưu giữa chúng.

Cần nhớ rằng, ngay cả kinh doanh bún bò, bạn cũng phải chú trọng đến cả những vấn đề vĩ mô (luật pháp, kinh tế, xã hội, công nghệ nấu bún…), lẫn vi mô (khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh hiện tại và tiềm ẩn, các món ăn khác có thể thay thế cho bún bò..) và còn nhiều yếu tố thị trường khác.

Chúc bạn có một mô hình kinh doanh thực sự hiệu quả!

Long Nguyen Huu - Group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt.

-------

P/s: Đọc rồi, chưa đọc đều nên đọc!

Wednesday, 11 December 2019

Bài 41: Ngành của tôi đặc thù lắm, không cần làm điều đó đâu.

Bài 41: Ngành của tôi đặc thù lắm, không cần làm điều đó đâu.

Nằm trong chuỗi bài tâm sự đời làm chủ tôi đang viết chia sẻ cho cộng đồng.
..............

1. Tâm sự chuyện ngành đặc thù

Xưa, có lần mình cafe với 1 bác kinh doanh bán thiết bị phòng cháy chữa cháy, mình kêu bỏ công xây dựng fanpage và seo từ khóa lên google, không Hùng ơi, ngành này nó đặc thù lắm, ai mà thèm search google, người ta bán qua mối quan hệ. Rồi vụ cháy chung cư carina cách đây rất lâu rồi (ai không biết có thể google), đơn vị nào mà nhanh tay ở trên top google lúc đó, đơn vị đó kiếm khá vì tỷ lệ search mua thiết bị phòng cháy chữa cháy cao nhất 10 năm qua trong thời điểm đó khi báo chí liên tục đăng tải, ai nằm top, doanh thu 1 tháng bằng 5 năm là bình thường, và bác ấy đã bỏ lỡ cơ hội... vậy nếu ai kinh doanh có sản phẩm phục vụ theo nhu cầu đặc biệt, khi KH có nhu cầu họ sẽ tìm nhà cung cấp thì việc đưa DN lên google là cần thiết, dù ngành là phổ thông hay đặc thù.

Coi chừng sự BẢO THỦ từ cách làm cũ trong ngành. Xưa nhớ thời đi làm ở 1 công ty dược, sản phẩm là dung dịch vệ sinh vùng kín của Nam Giới. Sau 1 tháng mình thử nghiệm đi mở thị trường, mình thấy kênh nhà thuốc do đội ngũ sales đi mở kênh hiệu quả kém, chi phí lại cao, mình đề xuất mở kênh mới do mình từng đi mời chào thử nghiệm và thấy hiệu quả rất cao là phòng gym, thì ban lãnh đạo lắc đầu từ chối vì nói là ngành dược đặc thù là sp chỉ phân phối qua nhà thuốc tây mới hiệu quả thôi, mình đành miễn cưỡng làm theo.

Ngành này đặc thù lắm, chỉ bán dựa trên mối quan hệ.

Ngành này đặc thù lắm, chỉ bán sỉ, ít ai mua lẻ,...

Ngành này đặc thù lắm, không ai quan tâm đồ chính hãng,...

Ngành này ns hay nghỉ việc lắm, khỏi cần đãi ngộ tốt chi cho mắc công? Vài bạn quản lý cafe từng nói với tôi thế đấy.

Ngành này đặc thù chỉ sales qua bàn nhậu, vài anh em kinh doanh xây dựng rất hay nói.

Nhiều năm về trước, lúc mình còn nhỏ (cũng là thời hoàng kim của Thiên Hòa), ông cậu mình có mua 1 máy lạnh của Thiên Hòa, khi hỏi nhân viên tư vấn về việc lắp đặt sao không được miễn phí, nhân viên trả lời "ngành này của em đặc thù không ai lắp miễn phí đâu anh ơi", đến khi Điện Máy Xanh ra đời, họ ra họ bán họ lắp miễn phí luôn, chỉ phụ thu vật tư dây ống đồng, thế là ông cậu mình bỏ luôn Thiên Hòa từ đó.

Kiến thức quản trị và marketing được sinh ra là để tất cả doanh nghiệp đều có thể áp dụng bất kể lĩnh vực bạn đang làm là gì, vấn đề là bạn có chịu phân tích và có biết cách áp dụng hay không. Doanh Nghiệp ngành nào đi nữa thì cũng phải có sơ đồ tổ chức dù lớn nhỏ cỡ nào, cũng phải có thang bảng lương, hệ thống quy trình, mỗi vị trí phải có mô tả,... không làm theo là doanh nghiệp lao đao ngay.

2. Vậy cần lưu ý gì, tìm hiểu điều gì khi dấn thân vào làm 1 ngành kinh doanh đặc thù? Rất nhiều cái cần lưu tâm, nhưng xin chia sẻ vài yếu tố cơ bản dễ khiến anh em thất bại khi lao vào các ngành kinh doanh siêu ngách, đặc thù.

1. Chuỗi Giá Trị KH kỳ vọng phổ biến rất khác

Mỗi ngành có chuỗi giá trị mà KH kỳ vọng khác nhau khi sử dụng SP/DV.

Thường vì không biết điều này mà bạn sẽ trả giá rất nhiều lần đến hết $. Thế nên cần làm quy mô nhỏ, nhiều phép thử khi dấn thân 1 ngành lạ là vì vậy.

Như trong F&B, nếu bạn hoàn toàn không hiểu tại sao các quán trong khu vực đông khách, không rõ KH ở phân khúc mình cần chủ yếu những giá trị gì cụ thể với mô hình nhà hàng bạn sắp mở, tin Hùng đi là nếu bạn mở thì 100% thất bại.

Cũng là 1 ông khách đó, nhưng khi đến nhà hàng sẽ kỳ vọng những giá trị khác hoàn toàn khi book và nhận phòng ở 1 homestay.

2. Rủi ro đến từ phía Khách Hàng khi vận hành

Như trong ngành Hospitality, như trào lưu kinh doanh homestay giới trẻ gần đây, đó là tỷ lệ lấp phòng trống từ KH vào các homestay không hề đơn giản, không phải lúc nào cũng full phòng được. Và không phải mùa nào cũng có KH. Như các homestay ở Đà Lạt sẽ hiểu rất rõ cảm giác này khi chỉ có vài tháng là KH đặt rất đông.

Như trong ngành edu là KH hay quên lịch học, nhớ nhầm ngày, xin hoãn học lại,...

3. Trải nghiệm mà KH cần để giữ chân

Mỗi ngành, dù vẫn là vị khách đó thôi, nhưng yêu cầu về trải nghiệm và sự phục vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ là hoàn toàn # nhau nhiều khi chính ta không hiểu được.

Tôi từng chứng kiến 1 vị KH rất dễ tính khi sử dụng dv của 1 homestay, nhưng khi cùng đi tour chung với tôi, xe khách của công ty lữ hành đến đón trễ 5 phút thôi là đã vô cùng khó chịu, thế đó.

4. Cách Tiếp Cận KH rất khó khăn, lằng nhằng

Những ngành càng ngách, thường khó lúc đầu vì tìm kh và tiếp cận khó khăn nhưng dễ lúc sau vì ít cạnh tranh, lợi nhuận nhiều.

Sẽ rất khó để chạy quảng cáo kiểu đại chúng vì không phải ai cũng cần, thậm chí còn ăn chửi là điều dễ thấy với ai kinh doanh ngành đặc thù.

Ngành của tôi đặc thù lắm, nếu ngành của bạn đang đặc thù như vậy, xin chúc các bạn thành công, vững bước.
..............
Chúc anh/chị/em đầu tuần may mắn

- Doanh Nhân. Nguyễn Tuấn Hùng -

CÁC LỖI VỀ CƠ CHẾ LƯƠNG CHO ĐỘI KINH DOANH

CÁC LỖI VỀ CƠ CHẾ LƯƠNG CHO ĐỘI KINH DOANH

CẬP NHẬT 2019 12 10

Cơ chế lương đứng riêng không liên quan gì tới các chỉ tiêu và việc cần làm của đội sales. Do vậy mà khi triển khai bất kỳ kế hoạch gì thì cứ làm mà không có tác dụng gì vì nhân viên không làm do không có động cơ gì cả!

Cơ chế lương vẫn tiếp tục do đội kế toán đưa ra, thậm chí là đội nhân sự. Hai đội này không nắm được tình hình đội sales từ bên trong và vì thế mà doanh số tăng giảm chả giải quyết vấn đề gì. Cơ chế lương phải dựa trên tình hình thực tế cả bên ngoài đội sales – thị trường tăng giảm và tình hình bên trong –tinh thần anh em đội sales đang ở mức nào, bị ảnh hưởng bới yếu tố nào?

Cơ chế lương giữ nguyên vẹn trong từ 3 tháng trở lên. Và sau đó các bạn quản lý và giám đốc vẫn hỏi: "tại sao đội sales nó cứ ì lại thế anh nhỉ? Em đã giáo dục, đào tạo, tuyên truyền và cho thấy luôn tương lai tươi sáng của công ty của thị trường rồi mà???"

Cơ chế lương giữ nguyên khi chạy khuyến mại kể cả suất lớn và nhỏ. Cứ vậy thì chỉ sau 2 "nhịp" chương trình là đội sales sẽ dừng lại hết, để đợi lúc nào có khuyến mại mới chạy tiếp còn không có thì kệ đi, tội gì phải cố lúc bình thường? Vậy là ai đang "điều khiển" ai? Sếp hay nhân viên?

Cơ chế lương mùa bán tốt và mùa bán kém như nhau, dẫn tới việc nhân viên ngồi chơi không vào mùa bán kém vì thà như vậy để mùa bán tốt bù lại còn hơn tập trung vào mùa bán kém đằng nào cũng chả được cái gì! Có công ty tôi biết, mùa bán kém lương nhân viên chỉ 2,3 tr còn mùa bán tốt thì tới cả trăm triệu! Nhiều người vẫn nói đó là bình thường, nhưng nếu trong lúc tình hình công ty của họ như vậy mà đối thủ vẫn chạy đều thì nó không còn bình thường nữa rồi!

Cơ chế lương của quản lý không liên quan gì tới việc doanh số của đội sales tăng hay giảm hay thậm chí còn không liên quan gì tới kỹ năng của các thành viên đội sales. Và vì thế doanh số tăng hay giảm đôi khi do "mẫu độ, cô thương" còn quản lý chỉ chuẩn bị duy nhất là các câu trả lời sao cho xuôi tai giám đốc khi bị điều tra kỹ về lý do doanh số không tăng không giảm.

Tăng giảm lương tuỳ ý theo cách giám đốc thích vì những lý do định tính chứ không định lượng như là " phát triển đã lâu rồi, giờ lương của mình phải như vậy mới ổn em ạ!" và "phải tăng lương lên chứ không anh em họ bỏ đi hết!".

Đọc tới đây, tôi tin vẫn có nhiều bạn làm quản lý hỏi tôi "vậy phải làm gì hả anh?" Câu trả lời nằm trong chính các lỗi tôi đã nêu ở trên! Làm trái lại tức là cách làm đúng. Và hiển nhiên chúng ta cố gắng lập hệ thống từ chỉ số, quy trình và kỹ năng chuẩn thì mới là điều quan trọng nhất để đi lâu dài. Cũng không ai có thể làm một lần mà chuẩn ngay được, dù có kinh nghiệm ở môi trường khác, chúng ta sang môi trường hay sản phẩm mới, thị trường mới vẫn cần thử nghiệm và chỉnh nhiều lần trước khi chuẩn hoá lần cuối.

Thursday, 5 December 2019

COCOBAY - ĐÂU MỚI LÀ THẰNG NGU?

COCOBAY - ĐÂU MỚI LÀ THẰNG NGU?

Vụ ông cụ đầu tư 600 tỷ vào Cocobay là ví dụ điển hình của đòn bẩy tài chính, một thứ mà dân chơi chứng khoán, bất động sản rất hay dùng. Tiện thể, thầy chỉ cho các em xem nó là như nào.

Đúng như từ đòn bẩy, kỹ thuật đầu tư này sẽ cho bạn mua số hàng có giá trị lớn hơn nhiều lần so với vốn bạn có. Ví dụ bạn có 1 tỷ đồng, người ta sẽ cho bạn vay thêm 2 tỷ để mua 3 tỷ tiền hàng, với lãi suất 10% chẳng hạn, và sau một thời gian nhất định, giả dụ 1 năm, sẽ có 2 trường hợp sau.

1. Hàng tăng giá 30% lên 3.9 tỷ, bạn bán đi. Trả lại ngân hàng 2 tỷ vốn, 200 triệu lãi. Bạn còn lãi 700 triệu. Coi như lãi 70% trên vốn. 

2. Hàng giảm giá 30% còn 2.1 tỷ, bạn không muốn bán cũng phải bán. Trả lại ngân hàng 2 tỷ vốn, 200 triệu lãi. Bạn còn nợ 100 triệu. 

Trường hợp 2 được bọn Mỹ đặt cho một cái tên rất mỹ miều và rùng rợn là margin call. Có cả phim, mời gúc.

Khi bạn được mời mua nhà, mời mua cổ phiếu, mời đầu tư, cò luôn trình bày phương án 1 cho bạn, và luôn lờ đi phương án 2. 

Tuy nhiên đời không như mơ. Rất nhiều nhà đầu tư, nếu như không muốn nói là đa số, rơi vào trường hợp 2. Đừng nghĩ họ ngu nhé, có một cao thủ ngành tài chính, tóc bạc phơ dù còn rất trẻ, cũng đang ngồi tù vì vậy đó.

Ông cụ mua 600 tỷ Cocobay cũng làm vậy thôi: Vốn gần 200 tỷ, vay 402 tỷ, mua 600 tỷ tiền nhà với hy vọng có dòng thu nhập 60 tỷ mỗi năm và nhà lên giá. Lãi vay ngân hàng thì mỗi năm phải trả độ 45 tỷ. Ví dụ nhà lên giá thành 1000 tỷ thì cụ bỏ túi ngon ơ 400 tỷ lãi trên vốn 200 tỷ.

Cụ chả ngọng đâu. Nhưng làm sao cụ giỏi bằng 3 tay chơi lão luyện là ngân hàng, nhà nước và chủ đầu tư được. Cụ chỉ là con gà trong ván tá lả đủ 4 tay.

Sau 2 năm êm đềm hạnh phúc, dòng tiền của cụ cân bằng đẹp như mơ. Cụ lấy tiền thuê nhà trả lại vừa đủ cho ngân hàng, thì đùng một cái, chủ bảo thôi xoá bài làm lại, chơi ván khác.

Thành ra bây giờ cụ có 600 tỷ tiền ảo, cụ vay 330 tỷ (trả được hơn 70 tỷ vốn rồi), và cụ phải trả mỗi năm khoảng 35 tỷ lãi cho ngân hàng. Nhưng chủ đầu tư dừng trả lãi cho cụ.

Bây giờ vòng quay tài chính bắt đầu đè bẹp cụ. Chỉ một năm nữa, cụ sẽ vay ngân hàng thành 365 tỷ, chưa kể nếu cụ nợ quá hạn, lãi suất siêu cao, cụ có thể bị nợ đến 402 tỷ.

Nhà cụ thì ảo, 600 tỷ đó thực ra giá trị thật tối đa 200 tỷ. Cụ bán cho là được 300 tỷ đi. Cụ trả ngân hàng xong vẫn nợ 102 tỷ, còn 200 tỷ vốn của cụ thì mất trắng. Mà cụ cứ càng kiện cáo cụ càng chết, vì nhà cụ bán không ai dám mua. Ngân hàng thì nó nắm luật bằng 1000 cụ. Money never sleeps. Cụ cần thời gian, còn ngân hàng và chủ đầu tư không có gì ngoài thời gian. Kiện 2 năm chứ 10 năm chúng nó vẫn hầu cụ được.

Thế mới tài.

À tài ở đây là ba thằng kia, không phải cụ. Mà người ta có câu: Khi người có tiền gặp người có kinh nghiệm, thì người có kinh nghiệm sẽ có tiền và người có tiền sẽ có kinh nghiệm.

Chỉ lo là không biết cụ còn thời gian để xài kinh nghiệm không, vì chu kỳ bất động sản là 10 năm...

Bài tập về nhà: Tìm trong tranh ở dưới xem con nào là Cụ, con nào là chủ đầu tư, con nào là ngân hàng,...

Nguồn: Thiên Lương 
                                         

Monday, 2 December 2019

Dụng nhân như dụng mộc

CÂU CON CÁ, BỎ LÊN BỜ, BẮT TRÈO CÂY, XONG RỒI CHỬI CON CÁ VÔ TÍCH SỰ. SAI LẦM CỦA RẤT NHIỀU CEO & SẾP TRỰC TIẾP TRONG VIỆC QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ ! GIẢI PHÁP LÀ......

Dao gọt trái cây có thể sử dụng để điêu khắc được không ? Câu trả lời là được, nhưng hiệu suất không bao giờ bằng lưỡi dao được thiết kế dành riêng cho công việc điêu khắc; chưa kể có thể làm cho bạn bị đứt tay nữa. Do đó trong trường hợp bất khả kháng thì hãy dùng dao gọt trái cây để điêu khắc, còn lại hãy hãy sắm riêng một bộ dao được thiết kế đúng với chức năng. Tuyển dụng, tổ chức, sắp xếp, sử dụng đội ngũ cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên rất nhiều CEO và quản lý làm sai cách nên đã trả giá.

4 KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH CHỦ ĐẠO - NẮM VỮNG ĐIỀU NÀY, BẠN SẼ ĐẶT NHÂN VIÊN ĐÚNG CHỖ.

*** Một số bạn có thể đọc qua, học qua đâu đó nhưng chỉ ở bề nổi và không ứng dụng tốt. Lý dó là rất nhiều người đi dạy về chủ đề này nhưng họ không hề ứng dụng.

*** Bài viết này chỉ bạn cách ứng dụng triệt để mà không hề tìm được ở đâu khác. Rất nhiều đệ tử của Thợ Sửa Ống Nước được cầm tay chỉ việc và đã ứng dụng tốt đến mức chỉ cần 10 phút quan sát hành vi là đoán được ngay người đối diện thuộc nhóm nào. Muốn ứng dụng tốt thì đọc, đừng than dài vì có thể thay đổi cả cuộc đời làm sếp.


1. Khuynh hướng THÚC ĐẨY (Viết tắt là D - Dominance)

- Điểm mạnh: Rất quyết đoán và lì lợm, không bao giờ có tư duy buông xuôi bỏ cuộc, hướng đến kết quả rất mạnh, trực tính. Những điểm mạnh này khiến cho hầu hết trở thành Lãnh Đạo hoặc Sếp Lớn. Chỉ một số ít không leo lên được hoặc bị sụp đổ kinh doanh vì:

- Điểm yếu: Nóng tính, nóng vội, dễ bị cảm xúc chi phối nên đụng chuyện là chửi như tát nước vô mặt người đối diện, dễ rơi vô tình trạng nói chuyện với người khác bằng "Tay chân", cố chấp, cứng đầu, hơi cực đoan, hay áp đặt người khác một cách thô bạo.

Những người có khuynh hướng này rất coi trọng thời gian và kết quả. Do đó khi giao tiếp với họ, hãy ngay lập tức nói thẳng vô chủ đề thay vì lòng vòng khiến họ mất kiên nhẫn và trở nên nóng nảy. Họ thích nói chuyện với những người luôn đưa ra giải pháp và rất ghét nói chuyện với người bàn lùi, tiêu cực, quá cầu toàn, mắc bệnh "Tôi không thể", hay trì hoãn, chần chừ, lề mề.

Đây là nhóm HƯỚNG NGOẠI, quan tâm đến hiệu suất, hiệu quả hơn là cảm xúc. Họ sẵn sàng gạt bỏ cảm xúc để đạt mục tiêu.

2. KHUYNH HƯỚNG BIỂU CẢM, TRUYỀN CẢM HỨNG (Viết tắt là I - Influence)

- Điểm mạnh: Sôi nổi, vui vẻ, năng động, truyền cảm hứng, thích ứng cực nhanh, gặp ai cũng bắt chuyện được một cách trơn tru như thể quen nhau từ rất lâu, sáng tạo cao. "Lầy lội" là điểm nổi trội nhất của nhóm này nên ở bên họ rất vui.

- Điểm yếu: Nói quá nhiều, dễ bị cảm xúc chi phối nên bị lộ bí mật lúc nào không hay, tính cách thất thường kiểu " 1 tuần tới tháng hết 7 ngày", rất nhanh chán, khả năng cộng trừ rất tệ so với các nhóm còn lại, hơi bừa bộn, khá vô kỷ luật và dễ mất tập trung.

Những người này rất biết cách yêu bản thân mình và muốn người khác cũng yêu họ nên thích được khen ngợi, nhìn nhận. Họ rất ghét nói chuyện với những ai thích nói về bản thân vì họ mới là trung tâm của sự chú ý chứ không phải ai kia, họ ghét bị dành mất phần nói. Họ có rất nhiều bạn và rất nhiều thú vui nên thích tự do, không thích bị ràng buộc và kiểm soát, chán những công việc lặp đi lặp lại hoặc đòi hỏi tính tỉ mỉ cao.

Đây là nhóm HƯỚNG NGOẠI, quan tâm đến cảm xúc cá nhân hơn hiệu suất, hiệu quả . Đôi lúc vì vui quá đà hay buồn quá mức, họ bỏ quên mất công việc.

3. KHUYNH HƯỚNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH ((Viết tắt là S - Stableness )

Một số người dịch ra thành Kiên Định do tiếng Anh có nhiều nghĩa. Dịch và sử dụng từ "Kiên Định" để đi dạy thì rõ ràng không có chút ứng dụng thực tiễn nào vì đây là nhóm rất KHÔNG KIÊN ĐỊNH. Kiên Định là đặc điểm của nhóm Thúc Đẩy cứng đầu nếu nhìn ở khía cạnh tốt.

- Điểm mạnh: Dịu dàng, nhỏ nhẹ, biết lắng nghe, giàu cảm xúc, nhân ái, nhạy cảm, rất quan tâm người khác.

- Điểm yếu: Tự ti, rụt rè, thiếu quyết đoán, không dám ra quyết định vì sợ phật lòng người khác, cả nể đến mức thà làm tổn thương mình còn hơn tranh cãi, không dám đấu tranh ngay cả khi bị chèn ép (Bị quịt lương rồi bỏ luôn chẳng hạn).

Khi thấy người này làm ở một công ty nào đó quá lâu, những người thiếu trải nghiệm cho rằng họ "Kiên Định". Trên thực tế điều này phản ánh đúng với tâm lý của nhóm này là "Sợ thay đổi, tự ti hoặc ngại bị người khác nói ra nói vào" chứ không phải kiên định. Kiên định là ở lại với mục tiêu rõ ràng, sống chết vì mục tiêu. Vì những đặc tính như vậy nên nhóm này rất thích ở gần những người nhỏ nhẹ, cho họ sự tự tin, cho họ được bộc lộ cảm xúc và rất sợ hãi khi phải nói chuyện với nhóm Thúc Đẩy vì bị áp. Dùng từ "Sợ hãi" cho nhóm này sẽ đúng hơn từ "Ghét" vì với bản chất nhân hậu thì họ rất ít ghét ai bao giờ, trừ khi bị đè nén quá mức. Cũng vì vậy mà bạn sẽ không bao giờ thấy nhóm này ngồi ở ghế sếp lớn. Nếu thấy ai đó quá dễ thương mà ngồi ở ghế sếp lớn thì hoặc là bạn bị lừa vì họ diễn quá giỏi, hoặc là năng lực Lãnh Đạo quá tốt nên họ điều chỉnh hành vi cho hợp với người đối diện.

Đây là nhóm HƯỚNG NỘI, quan tâm đến cảm xúc của người khác hơn hiệu suất, hiệu quả . Đôi lúc vì thấy "tội" cho ai đó, không nỡ la mắng mà họ để người ta làm chậm tiến độ hoặc è cổ gánh dùm.

4. KHUYNH HƯỚNG PHÂN TÍCH, NGUYÊN TẮC (Viết tắt là C – Compliance)

Chữ Compliance có rất nhiều nghĩa, bao gồm cả nghĩa "Phục tùng và Nhường Nhịn". Thế là những người không ứng dụng, không có trải nghiệm đi chém gió sai be bét hết và gọi nhóm này là "Nhường nhịn". Trong khi đó chữ Compliance còn có nghĩa là "Tuân thủ", nghĩa là rất nguyên tắc và kỷ luật với những gì đã vạch ra. Phục tùng và nhường nhịn là đặc tính cốt lõi của nhóm Hài Hòa, những người sợ mất lòng người khác. Bạn thử làm sai quy trình rồi bắt kế toán (Thuộc nhóm phân tích, nguyên tắc) phục tùng, nhường nhịn và làm theo ý bạn coi có bị vả sấp mặt không. Ở đó mà nhường nhịn.

- Điểm mạnh: Chu đáo, tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận, kỷ luật, nguyên tắc, gọn gàng.

- Điểm yếu: Quá sợ rủi ro, quá cầu toàn đến mức mất hết những có hội cần ra quyết dịnh nhanh chóng, nguyên tắc đến mức thiếu uyển chuyển nên dễ bị ghét hoặc làm người khác bực mình, khá chậm chạp và lề mề, hay bàn lùi và nói tiêu cực.

Những người có khuynh hướng tính cách này coi trọng quy trình và kỷ luật hơn tất cả các yếu tố khác. Họ ghét làm việc với những người bừa bãi, lộn xộn, hay thúc ép họ ra quyết định nhanh chóng, nói chuyện trên trời dưới đất mà không có bằng chứng. Họ rất thích làm việc với ai kỹ tính, tỉ mĩ và nguyên tắc giống như họ vậy.

Đây là nhóm HƯỚNG NỘI, quan tâm đến quy trình hơn cả kết quả và cảm xúc. Vì thế họ thường bị người khác coi là thiếu hợp tác hoặc bị tuột lại phía sau.

MỘT NGƯỜI CÓ MẤY KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH VÀ CÁI GÌ QUYẾT ĐỊNH KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH ĐÓ ?

Mỗi người có cả 4 khuynh hướng này, chỉ là có 2 khuynh hướng tạo thành cặp nổi trội hơn 2 khuynh hướng còn lại. Số người chỉ nổi trội 1 khuynh hướng tính cách đơn lẻ là rất hiếm và thường là không đạt được thành tựu gì do thiếu sự bổ sung "điểm mạnh" của các khuynh hướng còn lại. Sẽ diễn giải chi tiết ở phần sau.

Khuynh hướng tính cách được tạo ra bởi xã hội, môi trường sống và giáo dục nên khi những điểm này thay đổi thì tính cách sẽ được chuyển dịch dần để thích ứng với môi trường sống. Ví dụ bạn có khuynh hướng tính cách rất sôi nổi, thích bay nhảy nhưng vì lý do gì đó bạn phải làm công việc đòi hỏi tính toán nhiều, không được sai sót một thời gian đủ lâu thì dần dần tính cách C sẽ bắt đầu được phát triển. Bạn trở thành người sâu sắc hơn, nói chuyện có lý lẽ và lập luận hơn là chỉ truyền cảm hứng.

Tuy nhiên phần lớn khuynh hướng tính cách của người Việt ít có sự thay đổi nhiều do ít ai có điều kiện thay đổi môi trường sống khác biệt hoàn toàn hoặc làm công việc trái ngược với "Cái bằng". Phần vì tiếc quãng thời gian đã học, phần vì xã hội Việt đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn nhốt con người ta lại (Làm khác đi chúng nó chửi). Trừ Sài Gòn ra thì ở các tỉnh khác ít có ai dám "Làm khác đi", được sống và chọn lựa công việc đúng bản ngã và tính cách của mình.

NGHỀ NGHIỆP VÀ CÁC CẶP ĐÔI KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH

Hãy quan sát kỹ xung quanh, tất cả những người ngồi ở ghế sếp lớn đều có khuynh hướng D (Thúc đẩy), và tùy vào tính cách được bắt cặp sẽ ngay lập tức giúp ai đó thăng hoa với nghề.

1. CEO:

Thường là D + C = Bản lĩnh, quyết đoán, nhanh gọn lẹ, nhưng có khả năng kiểm soát quy trình rất tốt để đảm bảo vừa có hiệu suất, có hiệu quả, vừa tránh khỏi sai sót. Vẫn có CEO thuộc nhóm D + I, D + S nhưng thành quả không bằng nhóm D + C, trừ khi những CEO này có hậu phương nhóm C rất chắc chắn.

Những người là CEO nhưng chỉ thuần nhóm D thường thất bại thảm hại vì hoặc là họ thiếu khả năng kiểm soát của nhóm C, hoặc thiếu khả năng làm việc với con người của nhóm I và S. Chỉ thuần nhóm D khiến những điểm yếu "Nông nỗi, thích kiểm soát, cực đoan, cứng đầu, cục súc" sẽ đè chết điểm mạnh, từ đó dẫn đến thất bại.

2. COO (Chief Operation Officer):

Thường là C + D = Tuân thủ quy trình, có nguyên tắc nhưng vẫn hướng đến kết quả. Vì chữ D bị đẩy ra sau thành yếu tố phụ nên chỉ có nhóm C + D là làm tốt vị trí COO nhất. Nhóm I + D không thích bị cột lại một chỗ nên không thể làm tốt công việc Operation (Chữ O thứ 2 của vị trí COO); nhóm S + D cũng là người của cảm xúc nên rất khó làm tốt quy trình trong chuỗi Operation. CEO có khuynh hướng D xếp trước nên thích ra ngoài ngoại giao, còn COO lại thích ngồi văn phòng vì C xếp trước. Dù cả hai vị trí này đều là sự kết hợp của C và D.

3. Sales:

D + I = Hướng tới kết quả và truyền cảm hứng, không lạ gì khi nhóm này luôn là The Best Seller kiểu Thợ Săn khi vừa dám dấn thân, không sợ hãi, lại có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Đây cũng là nhóm có thể tạo ra doanh số ngay lập tức vì bán bất chấp.

D + S = Hướng tới kết quả và biết quan tâm người khác nên họ là The Best Seller kiểu Nông Dân (Nuôi rồi thịt). Nhóm này khởi đầu chậm hơn nhóm Thợ Săn nhưng lại có khả năng nuôi dưỡng khách hàng số 1 nên có doanh số bền vững hơn nhóm D + I nhiều.

D + C = Hướng tới kết quả và tuân thủ quy trình nên họ sẽ là The Best Seller trong lĩnh vực cần tư vấn chuyên sâu mang tính giải pháp chiến lược. B2B, sản phẩm kỹ thuật phức tạp là địa bàn hoạt động của nhóm này. Tất nhiên được cái này sẽ mất cái kia, nhóm có khuynh hướng C theo kèm thường khởi đầu rất chậm nên các sếp cần kiên nhẫn nuôi quân.
Lật ngược trở lại xem I + D, S + D, C + D có theo nghề Sales được không ? Câu trả lời là có nhưng cần sếp nhúng tay nhiều hơn trước khi để tự bơi. I + D hoặc S + D đặt cảm xúc cao hơn mục tiêu nên cần dí số liên tục, C + D thì cầu toàn quá nên cần động viên và dẫn đi ăn chơi để sớm vượt khỏi vùng an toàn.

Phân tích này cũng giải thích tại sao Thợ Sửa Ống Nước toàn tuyển "Trai hư, gái hư" (D + I hoặc I + D) về làm Sales. Vì tụi nhỏ không sợ gì hết, có khả năng kết giao rất tốt (Điểm mạnh của nhóm I) nên dễ mang số về. Tất nhiên quản lý mấy đứa "Hư" chưa bao giờ là dễ vì cá tính rất mạnh.

4. Tài chính, kế toán:
Nhóm này phải tuyển những người có khuynh hướng C là chủ đạo, C + D là người làm thuần về kế toán, D + C là người mạnh về chiến lược. C và I đối nghịch nên hầu như không tồn tại trong cùng một người, C và S vừa có khả năng kiểm soát vừa có khả năng không làm mất lòng người khác do quá cứng nhắc nên rất nếu công ty có 2 kế toán trở lên thì rất cần 1 người như thế này trong đội để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các phòng ban khác và giảm thiểu mâu thuẫn.

5. HR:

Có quá nhiều định nghĩa sai và nhìn nhận sai về nghề này tại VN, do đó nhiều người loay hoay không biết nên làm mảng nào để thăng hoa.

D + I hoặc D + S hoặc I + S: Nên theo mảng huấn luyện, đào tạo, event nội bộ, Employee Branding vốn cần kỹ năng làm việc với con người, ít đụng phải quy trình.

D + C : Nên theo mảng C & B, Admin, kiểm soát quy trình và hệ thống.

Là người cảm xúc mà cứ dây dưa sang mảng quy trình hoặc ngược lại thì lấy gì mà thăng hoa được.

Các nghề khác phân tích tương tự. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ, rõ ràng để leo lên cao, để làm sếp thì luôn cần có đặc tính của nhóm D. Vì vậy nếu ai cảm thấy bản thân mình không phải là người nhóm D thì đừng leo cao, hãy tập trung làm chuyên môn của mình thật tốt để trở thành CHUYÊN GIA trong lĩnh vực của mình. Đó cũng là cách để leo lên cao thay vì làm sếp. Làm sếp hay không chẳng phải là xấu hay tốt mà là phù hợp hay không phù hợp. Miễn cưỡng mất vui.

ĐẶT SAI CHỖ:

Nhiều người vì tiếc cái bằng, tiếc quãng thời gian đi học nên không dám chọn công việc phù hợp với tố chất của mình. Họ quên rằng ở tuổi 18 họ chọn ngành chỉ dựa trên cái tên ngành có sang chảnh hay không, có đúng xu hướng thị trường hay không chứ không hề dựa trên đam mê, sở trường của mình. Mà đã không phù hợp thì có cố cách mấy cũng không thể bằng điểm nổi trội nhất được. Khi đã không thăng hoa thì lấy đâu ra thăng tiến, phát triển hay kiếm nhiều tiền. Đừng để cái tên "Bằng cấp" làm mụ mị nữa.

Các sếp cũng hay cân nhắc để đặt nhân viên đúng chỗ và phát huy tối đa điểm mạnh của sấp nhỏ thay vì đặt sai rồi gò ép. Thử hỏi cái đứa giàu cảm xúc như nhóm I mà giao sổ sách cho nó làm thì có nhanh phá sản không thì biết liền. Còn chuyện đưa đứa nào lên làm sếp, ngoài chuyên môn hãy đảm bảo nhân viên đó có khả năng làm việc với con người và có khả năng tổ chức công việc. Đưa ngay cái đứa chỉ thuần chữ D thì nát hết cả Team, chỉ thuần chữ I thì cả team mê chơi hơn làm và vô kỷ luật, thuần chữ C thì kéo cả Team chậm theo ngay.

*** Có khá nhiều trường phái phân chia khuynh hướng tính cách và người ta thường lấy ra khoe nhau. Tuy nhiên ở góc nhìn của Thợ Sửa Ống Nước thì biết nhiều để chém không bao giờ có KẾT QUẢ bằng biết ít nhưng làm tới nơi tới chốn và hiệu quả. Các trường phái khác phân chia nhiều quá nên việc đọc vị tính cách trong vài phút nói chuyện là điều bất khả thi, đó là lý do chọn D.I.S.C thực tiễn. Ai muốn nghiên cứu học thuật chuyên sâu thì nghiên cứu thêm cái khác

VỀ CHUYỆN LÀM BẢNG CÂU HỎI KHẢO SÁT KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH THÌ SAO ?

KHÔNG HIỆU QUẢ ĐÂU, lý do:

Đa số người thực hiện khảo sát hay chọn đặc điểm tính cách họ muốn trở thành hơn là tính cách thật.

Bảng khảo sát có quá ít câu hỏi để có sự nhận định chính xác.

Lúc vui sẽ điền khác, lúc buồn sẽ điền khác. Trừ khi mỗi tháng làm 1 lần và làm liên tục 10 tháng mà không xê xích gì nhiều thì mới đúng.

GIẢI PHÁP là quan sát hành vi của ai đó trong nhiều bối cảnh khác nhau. Nếu hành vi hay cách ứng xử thay đổi liên tục thì chưa chắc đó là tính cách thật. Chớ vội đánh giá một ai đó thuộc nhóm nào mà thiếu bối cảnh cụ thể.

Thợ sửa ống nước tự lấy bản thân kiểm tra hơn 300 trường hợp, thử và sai liên tục, ghi chép thống kê mỏi tay mới bắt đầu có trực giác đúng vì nhận định về tâm lý, hành vi và tính cách con người là thứ vô cùng phức tạp. Khi mới nghiên cứu về món này, tui chứng kiến cảnh ông kia mặt hầm hầm vô quán café tát vợ cái bép rồi phán ngay ông này thuộc nhóm D. Mãi sau này tìm hiểu kỹ mới biết thật ra ông này thuộc nhóm S nhưng tức nước vỡ bờ. Vậy nên mới nói phải coi trên nhiều bối cảnh mới chắc chắn được.

Nếu muốn tiết kiệm thời gian, hãy tạo ra nhiều bối cảnh và tình huống khác nhau rồi đặt ai đó vào thử. Môi trường đủ mạnh tự khắc bộc lộ ra hết. Còn giờ thì dài quá rồi, bái bai. À, bài này không chỉ sử dụng trong quản lý đội ngũ mà còn dùng để nuôi dạy con nhé.

Tái bút !

P/S: Tuyển vợ về làm COO để chồng đi chơi 😂

Đánh giá code tốt (good quality) nó có nhiều khía cạnh

Đánh giá code tốt (good quality) nó có nhiều khía cạnh, một trong các khía cạnh khá quan trọng không thể bỏ qua là Readability (khả năng đọc hiểu) và Maintainability (khả năng bảo trì).
Nói về Maintainability trước nhé:
Chất lượng của một sản phẩm không chỉ ở cái bề ngoài, không phải chỉ là "người ta quan tâm tới sản phẩm chạy tốt, tiện dụng, không lag, không ai quan tâm anh dùng công nghệ gì" mà nó còn ở bên trong.
Mình không hiểu khách hàng của bác trình độ tới đâu mà lại chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài như vậy? Nhưng khách hàng của mình khi làm project cho họ, mình muốn dùng công nghệ ACB nào đó, muốn dùng mô hình Deployment XYZ nào đó ... đều phải chỉ rõ lí do, thậm chí cần slide bảo vệ, slide thuyết trình để thuyết phục họ. Họ review từng dòng code của team, review năng lực của từng member trong team.
Bản thân mình chưa bao giờ làm việc với một khách hàng mà chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài của sản phẩm. Một khách hàng thông minh người ta thừa khả năng để hiểu rõ cái quan trọng chính là phần bên trong. Bởi lẽ cái gì cũng có hạn sử dụng của nó, sản phẩm CNTT cũng không ngoại lệ, nếu cái họ nhận được từ mình là một sản phẩm chạy mượt, ngon, không lag ở thời điểm hiện tại nhưng lại khó bảo trì, khó sửa chữa, khó mềm dẻo với thay đổi trong tương lai thì liệu họ có accept không? Chạy mượt ở hiện tại, nhưng sau 1 năm nữa muốn thay đổi thì phải đập đi làm lại tốn nhiều chi phí thì họ có đồng ý với một sản phẩm như thế không? Nếu là bạn thì bạn có đồng ý nhận một sản phẩm như thế không?
Mình nghĩ là đừng nên đoán (hoặc fixed) suy nghĩ của khách hàng, cái đó là cái cực kì khó đoán, không lường trước được và bất định (có thể thay đổi bất cứ lúc nào), đôi khi cái họ cần rất phức tạp đến mức mình không đáp ứng nổi, cũng đôi khi nó lại cực kì đơn giản đến không ngờ.
Còn bàn về Readability:
Khi source code dễ đọc (Easier for read) thì tức là Readability của nó cao. Có ai muốn viết ra một đoạn code mà chỉ chúa mới hiểu không? Mình tin là không. Còn những bạn nào tư duy tốt, giải thuật tốt, Toán tốt, thì họ cũng sẽ KHÔNG viết ra một đoạn code khó hiểu đâu, hay chí ít, họ cũng không bao giờ coi nhẹ tính chất Readability của một đoạn code đâu bạn :)
Chia sẻ về quan điểm của bạn:
Mình chỉ tuyệt đối đồng ý với quan điểm cần coi trọng và đặc biệt coi trọng tiếng Anh, còn những skill khác, mỗi người mỗi việc nó đặc thù khác nhau, tùy môi trường mà ta nên improve cái nào cho phù hợp. Và điều cốt lõi quan trọng cần đảm bảo là khả năng adapt một cách flexible trong các môi trường khác nhau (adapt cả về trình độ lẫn thái độ), điều đó làm nên giá trị thực sự (right value) của một cá nhân so với một cá nhân khác. Nếu ép một Scientist triển khai một hệ thống phần mềm, chưa chắc người ta đã làm "ngon" bằng các bạn trẻ bây giờ đâu, bạn ạ ;)

sự quan trọng của toán học trong việc lập trình

Nhân bài post trướchttps://www.facebook.com/groups/laptrinh.IT/permalink/2849766001708673/?comment_id=2851042841580989&reply_comment_id=2860300307321909
 về thực trạng Sinh Viên hiện nay đào tạo ra rất coi nhẹ các môn như toán cao cấp, giải thuật và CSDL, và đặc biệt coi nhẹ tiếng anh, tôi nghĩ sẽ có lợi lạc lớn hơn cho mọi người khi giới thiệu về các ứng dụng toán học trong lãnh vực này.
Vì tôi cũng khá ngạc nhiên, nếu chỉ cần học theo kiểu HTML, css, react, php,react native làm web bán hàng, thì ra trung tâm học vài tháng là xong, cần gì đi 4 năm đại học cho tốn tiền gia đình và xã hội?
(Những bạn nào làm IT và CS theo kiểu cài win dạo, làm website bán hàng bằng wordpress, cắt photoshop, soạn thảo văn bản bằng word excel... lương tháng 3 triệu, Chúng ta tạm thời chưa bàn tới ở đây).
Chúng ta cũng tạm chưa bàn tới các lãnh vực hiển nhiên như ML và AI.
Trước hết chúng ta có thể thấy như câu nói nổi tiếng của Niklaus Wirth: Chương trình = Cấu trúc dữ liệu + Giải thuật (Programs = Data Structures + Algorithms).
Giải Thuật:

Độ phức tạp tính toán, cái quyết định chủ yếu chương trình chạy mượt hay không, thuần tuý là toán.
Thuật toán và cấu trúc dữ liệu tất cả là toán ứng dụng.
Về network, ngoại trừ các bạn cài win dạo và bấm cáp mạng, hiển nhiên là lý thuyết đồ thị.
Tất cả các bạn càn tính toán, hiển nhiên là giải tích số.
Cấu trúc dữ liệu
Đối với dữ liệu, có hai thứ, hoặc là copy và paste (theo nghĩa CtrlC CtrlV, hoặc cao cấp hơn chút là query DB hay là aggregation mongo copy paste từ DB), và tính toán với nó. Trừ khi là bạn chỉ thao tác 1 số một lúc, khi làm việc với bộ dữ liệu, hiển nhiên là sử dụng đại số tuyến tính (trong trường hợp đơn giản) và giải tích phi tuyến.
Nên tôi cực kì ngạc nhiên, tại sao các bạn cứ thích bỏ qua các môn có thể giúp các bạn xử lý thông tin, mà cứ thích dừng lại ở việc CtrlC-CtrlV-nâng cao?
Để các bạn bớt nghi ngờ về giá trị của đại số tuyến tính, tôi giới thiệu cuốn sách khá nhập môn về đại số tuyến tính do 2 ông làm về kĩ sư điện và kĩ sư máy tính viết, ở Stanford và UCLA
http://vmls-book.stanford.edu/vmls.pdf
(còn tiếp)

về sự quan trọng của toán học trong việc lập trình.


Tiếp tục chuỗi bài viết về sự quan trọng của toán học trong việc lập trình.
https://www.facebook.com/groups/laptrinh.IT/permalink/2860312453987361/
Tôi sẽ mở một chuỗi bài nói về ứng dụng của toán học hiện đại trong IT và CS. Các bạn có thắc mắc, ví dụ như kiến thức xxx dùng để làm gì trong tin học, có thể comment, tôi sẽ trả lời.
Bài viết trước, tôi đã viết về ứng dụng của đại số tuyến tính trong việc lập trình. Ngoài trừ việc Copypaste thông tin từ DB ra, người ta cần phải xử lý các bộ dữ liệu, hiển nhiên sẽ cần phải sử dụng tới linear algebra.
Hôm nay, tôi sẽ đề cập tới môn giải tích hàm, là một môn được đào tạo trong khoa toán. Tôi không biết ở VN mình thì các bạn IT và CS có được học hay không, nhưng tôi tin các nghiên cứu sinh về CS đều không ít thì nhiều va chạm với nó.
Giải tích hàm (functional analysis) là việc nghiên cứu các không gian hàm, và các không gian này nói chung là vô hạn chiều. Thực tế, trên đời không có khái niệm không gian vô hạn chiều, chỉ có khái niệm số chiều cực kì lớn, nên giải tích hàm có thể coi là đại số tuyến tính cho trường hợp không gian vô hạn (cực lớn) chiều. Bất cứ khi nào phải đụng chạm tới số chiều cực lớn, đó là nơi mà functional analysis ngự trị.
Đóng vai trò trung tâm của functional analysis là không gian định chuẩn (và Banach), cùng với các ánh xạ tuyến tính giữa chúng. Nói đơn giản, không gian định chuẩn có thể coi là suy rộng của Rn và ánh xạ tuyến tính có thể coi như là ma trận, cho trường hợp vô hạn chiều.
Khi ta xét một không gian định chuẩn, ta có thể thấy ngay từ định nghĩa, đó là khái niệm chuẩn, còn gọi là khoảng cách. Ví dụ, ta cho hai tín hiệu số, hoặc hai bộ dữ liệu, câu hỏi cơ bản đặt ra, là khi nào hai bộ dữ liệu này gần giống nhau.
Nói đến đây, các bạn có thể thấy, ứng dụng cuản nó ra sao khi truyền thông tin trên mạng interrnet, một dữ liệu có thể bị nhiễu. Vậy làm sao khi ta biết, độ nhiễu là đủ lớn? Hiển nhiên, là ta xác định một khoảng cách giữa hai tín hiệu. Tuỳ vào khía cạnh mà ta muốn nhấn vào, thì khái niệm khoảng cách cũng được định nghĩa tương ứng.
Ta lấy một ví dụ thứ hai,Cho một tín hiệu, một dữ liệu, làm sao ta biết nó là thuộc loại A hay loại B. Ví dụ, cho ảnh chụp một loại quả, làm sao ta biết nó là quả cam hay táo? Rõ ràng, là ta phải xác định khoảng cách nó tới các tập dữ liệu mẫu, và đó là nơi mà giải tích hàm xuất hiện.
https://en.wikipedia.org/wiki/Jensen%E2%80%93Shannon_divergence
Tất nhiên, trên thực tế, ta phải có hai bộ dữ liệu đã được định sẵn, sau đó ta mới thiết lập các tham số tương ứng để hiệu chỉnh hàm khoảng cách cho hợp với thực tế. Người ta gọi cái này là mạng CNN.
Ví dụ tiếp theo, tôi tin nhiều người đã biết, khi học về điện tử. Ta cho một tín hiệu sóng, và ta phân tích nó trở thành các sóng cơ bản, còn gọi là biến đổi fourrier. Bản chất của nói, là phân tích một vector thành nhiều thành phần thông qua phép chiếu vuông góc y như trong đại số tuyến tính (hilbert space).

Vì vậy, tôi không tin rằng các bạn học IT và CS trong cách lãnh vực đan xen với điện tử có thể bỏ qua.

Một ví dụ tiếp theo, là lý thuyết xấp xỉ. Hiển nhiên một điều, ta không thể nào tính toán chính xác tất cả các thứ, mà phải tính xấp xỉ. Một phương trình vi phân, đa phần không thể giải được chính xác, và phải sử dụng các phương pháp khác nhau để tính xấp xỉ, và do đó mới có thể sử dụng máy tính để tính toán.
Hiển nhiên, giữa nghiệm chính xác và nghiệm xấp xỉ, luôn có sai số, và do đó ta phải dùng giải tích hàm để đo đạc sự chính xác của nghiệm gần đúng. Và do đó, ứng dụng của giải tích hàm trong việc giải phương trình vi phân xuất hiện.
Hiển nhiên, phương trình vi phân là một lãnh vực toán học mà tác động lớn nhất tới cuộc sống. Một đối tượng bất kỳ đều chịu tác động của một đối tượng khác, và lực tác động này thay đổi theo thời gian, và do đó xuất hiện trong mọi lãnh vực từ kinh tế, tài chính, tài chính định lượng, cơ học... Trừ khi bạn cả đời chỉ có làm website bán hàng, còn việc sử dụng code để mô tả các đối tượng biến động theo thời gian phải sử dụng tới phương trình vi phân.
Có những phương trình vi phân có nghiệm, nhưng không phải là dạng cổ điển, mà chỉ tồn tại trong các không gian sobolev, và do đó phải sử dụng giải tích hàm để tính toán.
http://www-personal.acfr.usyd.edu.au/spns/cdm/resources/Kreyszig%20-%20Introductory%20Functional%20Analysis%20with%20Applications.pdf
xin lỗi, tôi không đọc sách tiếng việt bao giờ.
(còn tiếp)

HAI SỔ KẾ TOÁN LÀ GÌ ? HẬU QUẢ THẾ NÀO ?

HAI SỔ KẾ TOÁN LÀ GÌ ? HẬU QUẢ THẾ NÀO ?

Hai sổ kế toán là gì ?
Thật ngạc nhiên khi một số mẩu tin đăng tuyển dụng kế toán "tuyển vị trí kế toán nội bộ cho công ty XYZ". Từ lúc nào đó trên thị trường tuyển dụng đã có khái niệm kế toán nội bộ đối lập với kế toán thuế.
Kế toán nội bộ để xử lý những gì ? Có phải họ xử lý số liệu kế toán nội bộ ? Tại sao lại có số liệu nội bộ khác với số liệu thuế ?
a/Khi mở công ty, chủ doanh nghiệp sẽ hùn tiền để góp vốn ban đầu theo số đăng ký với Sở kế hoạch đầu tư trên giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Một số ông chủ vì muốn doanh nghiệp "hoành tráng" hoặc vì lý do có hồ sơ thầu đẹp nên đăng ký số vốn khủng nhưng thực chất là không đủ tiền để góp vốn theo giấy phép. Để theo dõi rõ ràng số liệu, kế toán buộc phải tách thành số liệu khai thuế và số liệu quản trị (số thực). Đây là bước đầu tiên hình thành hai sổ kế toán.
b/Doanh nghiệp bán được hàng ngon lành và ông chủ bắt đầu có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, ông chủ không muốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, thế là ông chủ bảo kế toán "nộp thuế mỗi tháng 5-10tr nha em". Kế toán bị sức ép làm hay là nghỉ việc nên thường chọn làm theo yêu cầu của chủ. Doanh thu 100tr đáng lẽ xuất hóa đơn 100tr đ thì nay chỉ xuất hóa đơn 20tr đ. 100tr đ thì ghi doanh thu vào sổ nội bộ còn 20tr thì xuất hóa đơn để kê khai với cơ quan thuế.
c/Sếp đi ăn cùng gia đình hết chục triệu đồng. Sếp được tư vấn là chi phí tiếp khách không bị hạn chế, thế là của nhà thành của công, sếp ghi luôn hóa đơn cho công ty. Thực chất khoản tiền ăn uống này không phải là chi phí kinh doanh của công ty nhưng sẽ ghi nhận vào sổ thuế là chi phí để được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Kế toán loại bỏ khoản chi phí này trong số liệu thực (sổ nội bộ) để có thể báo cáo lãi lỗ thực cho các cổ đông.
d/Xuất hóa đơn thu tiền bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng không muốn đóng thuế VAT. Bản chất xuất hóa đơn thu tiền thì đã bao gồm tiền thuế VAT của khách hàng nộp cho nhà nước, tuy nhiên một số ông chủ không chịu nộp mà kêu kế toán lấy thêm hóa đơn đầu vào để có thuế VAT đầu vào khấu trừ với thuế VAT đầu ra. Nghiệp vụ này làm tăng chi phí khống sổ thuế trong khi sổ quản trị (sổ nội bộ) không ghi nhận bởi không phải chi phí thật. Bản chất nghiệp vụ này làm lệch sổ cũng giống với ví dụ c.
(Xem bảng tóm tắt ví dụ)

Việc các doanh nghiệp SME lập hai sổ kế toán phố biến đến nỗi Bộ Tài chính cũng biết rõ và Bộ đã đề nghị Quốc Hội đưa hẳn vào Luật Kế toán, nhấn mạnh là doanh nghiệp không được phép làm 2 sổ kế toán, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Trích Luật kế toán, điều 13, các hành vi bị nghiêm cấm "Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán".

Hậu quả của hai sổ kế toán ?
Hậu quả đầu tiên là xử lý hình sự: chỉ cần trốn thuế trên 100 tr đ là có thể bị truy tố hình sự. Bản chất của 2 sổ là trốn thuế do đó nếu doanh nghiệp bị phát hiện hai sổ, khả năng bị truy tố hình sự là có. Mới đây, một luật sư Hà Nội bắt và khởi tố tội "trốn thuế" bởi khai thấp giá trị mua bán đất thực làm giảm thuế thu nhập cá nhân của người bán hơn 200 triệu đồng.
Hậu quả thứ hai của hai sổ đó là không thể theo dõi số liệu thực tế của doanh nghiệp. Kế toán đi học đâu có học làm kế toán hai sổ, do đó khi thực tế phải xử lý 2 sổ kế toán cùng lúc, kế toán sẽ không thể xử lý đúng bản chất để có dữ liệu chính xác. Dữ liệu thô ghi nhận không chính xác nên không thể phân tích gì nhiều từ dữ liệu này.
Thứ ba, công việc và chi phí gấp đôi dành cho kế toán: kế toán thay vì chỉ tập trung làm đúng một sổ, nay phải làm hai sổ nên việc tăng thêm. Doanh nghiệp mua 2 phần mềm để theo dõi 2 sổ, chi phí tăng gấp đôi cho phần mềm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp muốn áp dụng ERP thì các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài đều chào thua vì họ không có kịch bản cho 2 sổ kế toán.
Hậu quả thứ tư là sự minh bạch – chính trực của công ty sẽ bị lung lay. Các cổ đông biết là Giám đốc hay lấy hóa đơn thay thế do đó "có lửa sẽ có khói", các bên nghi ngờ nhau vì nâng khống chi phí mặc dù có hóa đơn mang về. Thực thực, hư hư làm các bên lẫn lộn nghi ngờ lẫn nhau.
Hậu quả thứ năm là khó vay ngân hàng: đúng lý công ty làm ăn có lời thì sẽ dễ dàng vay. Tuy nhiên, do trốn thuế nên sổ thuế của công ty toàn lỗ hay lời chút đỉnh. Khi nộp sổ thuế cho ngân hàng xem thì không đủ điều kiện vay vì không có lời trong khi sổ nội bộ lời ngon lành nhưng không phải là thứ để cung cấp ra ngoài doanh nghiệp.

Cải tà quy chánh có được không ?
Một số doanh nghiệp sau thời gian làm ăn hiệu quả, các cổ đông muốn rõ ràng minh bạch một sổ để giảm thiểu rủi ro thuế, thu hút vốn đầu tư. Việc gộp hai sổ thành một sổ có khả thi không ?
Việc chuyển hai sổ thành một sổ hoàn toàn có thể, tuy nhiên việc này phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của Ban Giám Đốc và cần có:
-Thay đổi hành xử thuộc văn hóa doanh nghiệp: trước đây nhân viên quen với việc không lấy hóa đơn vì mất thời gian, vậy thì khi thay đổi phải lấy hóa đơn, nhân viên có chấp nhận việc "mất thời gian" này ? Để thay đổi hành vi sẽ là quá trình dài và rất khó khăn.
-Chấp nhận buông bỏ: một sổ tức là doanh thu sẽ khai thật, doanh nghiệp sẽ đóng thuế nhiều hơn. Các chi phí lobby là thật nhưng không thể khấu trừ thuế. Những việc này là gây đau đầu cho ông chủ. Ngành ăn uống là một ví dụ điển hình, thường khách không lấy hóa đơn. Ông chủ có đủ quyết tâm ghi nhận đầy đủ doanh thu vào hệ thống để đóng thuế ?
Và cuối cùng là công việc của kế toán. Dĩ nhiên, hai sổ thành một sổ không phải là chuyện lấy 2 sổ công lại làm một. Tuy nhiên, ông chủ đã chấp nhận thì kế toán chỉ cần ghi nhận tương đối bức tranh nguồn vốn và tài sản doanh nghiệp theo tình hình hiện tại của doanh nghiệp, bỏ một số thứ để làm lại từ đầu. Một bức tranh dữ liệu minh bạch rõ ràng để kế toán chung sức cùng ông chủ, ứng dụng kế toán quản trị hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý doanh nghiệp.

Phan Thanh Nam