Search This Blog
Thursday, 5 January 2017
Phần 5: Các cách điều chỉnh tính cách – CŨ LÀ LẠC HẬU?
Phần 5: Các cách điều chỉnh tính cách – CŨ LÀ LẠC HẬU?
Người làm kinh doanh, đòi hỏi phải có một số tính cách cụ thể nhất định như là thực dụng, linh hoạt, phấn đấu không ngừng nghỉ, chúng ta rèn luyện tính cách đó thế nào?
Nghe thì có vẻ trừu tượng, mông lung và do vậy khá là khó đo đếm và kiểm soát, nhưng nếu theo phân tích của văn hóa phương Đông thì vẫn có cách để tác động để thay đổi tính cách. Khoan nói chuyện “tàng hồn, ký phách” của thuật Phong Thủy hay của các thầy bùa, ngải, trong bài ngắn dưới đây tôi xin phép nêu một số cách người xưa thường làm.
NẮN TƯ DUY
Trong chuỗi tác động ở đầu bài, thì rõ ràng tính cách là cái cuối cùng còn suy nghĩ là khởi nguyên mọi việc. Có lẽ không ở đâu câu chuyện ước thúc tư duy để không vượt giới hạn trung dung lại rõ như ở văn hóa phương Đông. Những câu như là Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân – Cái gì không muốn cho mình đừng làm cho người chính là điều mà người quân tử luôn phải xét tới khi định làm một việc gì. Hoặc “vật cùng tắc phản” – Cái gì quá cũng sẽ phải thay đổi. Vậy là chúng ta có thể dùng tư duy, để thay đổi tính cách của con người.
DÙNG HÀNH ĐỘNG
Một cách khác là dùng hành động để uốn nắn tính cách. Có anh đại ca của tôi, hiện đang là Giảng Sư của Giáo hội Phật giáo tu theo dòng Ưu Bà Tắc của Mật Tông. Anh cho biết ấn tượng nhất với bài tập nhặt cỏ trong vườn mà mình từng được Sư phụ dạy. Hãy hình dung, một chú bé hiếu động, tầm khoảng 12,13 tuổi phải cần mẫn tỷ mẩn nhổ cỏ ngoài vườn vào những buổi trưa hè nắng gắt. Chỉ sau 2 tuần, anh hầu như không còn thấy sốt ruột mà đã tĩnh lặng hơn khi quan sát các sự vật hiện tượng theo chỉ dạy của Sư Phụ.
Cũng như thế, không phải tự dưng trong giáo trình giảng dạy của một số hệ phái Karate của đảo Okinawa và sau này là đại học TOKYO có bài tập dùng đũa gắp đậu trước khi tập võ, hay trong Vịnh Xuân môn, chúng tôi cứ phải đứng một chỗ tay thu về ngang hông và tập xoay trên hai chân cho tới phát chán! Ngoài kỹ năng, đó đều là những bài tập giúp hành giả trở nên tĩnh tại và tập trung hơn.
Khi đọc các đoạn mô tả Khổng Tử, chúng ta thấy ông có sự cầu kỳ trong từng hành vi, nào là chiếu không ngay không ngồi, thịt cắt không vuông không ăn, đi trước mặt vua thì như sợ sệt,..Tất cả những cái đó chỉ là dùng hành động để điều Tâm thức hàng ngày. Và lâu dần thì hình thành tính cách mà thôi!
CHỈNH GÂN MẠCH
Ở mức cao hơn, các bài tập, đặc biệt trong võ thuật, có tác dụng vào thẳng kinh mạch của người tập. Y học cổ phương Đông cho rằng, ngũ tạng tương tác và tạo ra các trạng thái tình cảm khác nhau. Do vậy nếu dùng động tác tập trung vào một số kinh mạch thì sẽ khiến cho đương sự rèn luyện tốt một số tính cách nhất định. Hồi còn sinh viên, tôi được học bài Phế kinh quyền do Sư phụ dạy riêng mà mãi mới hiểu bài tập đó không hẳn là tập võ mà còn tập trung giúp tôi chữa bệnh đồng thời vui vẻ hơn, thoát được cảm giác tiêu cực mà cái vòng : Can – Tâm – Tỳ - Phế - Thận tương ứng với Nộ - Hỷ - Tư – Bi – Khủng gây ra.
DỤNG ÂM THANH
Một trong các cụ tổ nhà tôi làm quan thời phong kiến có nghiên cứu khá uyên thâm về âm luật. Sau này đọc kỹ càng tôi mới hiểu vì sao cụ quan tâm tới điều đó như vậy. Theo quan điểm của người xưa, âm thanh là thứ tác động vào bản thân con người rất rõ ràng. Chúng ta vào sàn nhảy, dù không muốn thì chỉ một lát chìm trong thứ âm nhạc dậm dật ấy chúng ta cũng sẽ thấy người mình tự động lắc lư theo tiếng Nhạc. Yoga lý giải đó là do luân xa ở phần thắt lung của chúng ta bị tác động và làm cả cơ thể chuyển theo âm thanh. Âm thanh ở tầng càng cao càng tác động sâu vào tâm thức con người và chỉnh sửa chúng tốt hơn. Không phải vô lý mà cứ ở mỗi đoạn kinh Phật lại có một câu Chú, với người tu Mật, đôi khi câu Chú ngắn gọn (và đôi khi không có mấy ý nghĩa) đó lại chính là căn cơ quan trọng nhất!
Nếu động tác là sự tác động bên ngoài vào nội tạng bên trong, thì âm thanh là một dạng tự massage cao cấp nhưng lại vô cùng đơn giản. Nền văn minh phương Đông đã để lại cả một lượng kiến thức khá uyên thâm về cách tập luyện để điều chỉnh âm sắc của chính bản thân mình. Đơn cử chỉ một bài tập đã được mã hóa vào trò chơi mà đáng tiếc rất ít trẻ em ngày nay biết tới. Ở miền Bắc trò này có tên là chơi U hoặc chơi Âm vì nó mô tả đúng động tác mà người chơi phải làm, đó là phát ra từ u trong cổ họng càng dài càng tốt. Chỉ sau khoảng 5 phút làm việc này, cơ thể người chơi sẽ phát nhiệt và mọi nội tạng được tác động một cách nhẹ nhàng, giúp chống lại các loại hàn tà rất hay gặp phải trong khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Bài tập này thực chất nếu làm đúng cách và đủ thời gian, sẽ thay đổi giọng nói của đương sự khá nhiều. Dấu hiệu rõ nhất là giọng sẽ trầm xuống vang hơn do thành vách của “hộp cộng hưởng” tạo ra âm thanh được làm dày và cứng chắc lên. Mà như trong bài trước tôi có nói, giọng nói chịu ảnh hưởng của phần Hậu Thiên – do cá nhân rèn luyện mà thành, đó chính là thay đổi tính cách.
Truy nguyên nguồn gốc, cách chơi này, theo quan điểm của cá nhân tôi sau khi tham khảo một số bậc thầy trong giới tu đạo tại Việt Nam, xuất phát từ cách phát âm từ OM trong Phật giáo Mật tông, một môn phái có nhiều công phu có thể tác động vào các tầng rất sâu trong tâm thức con người.
Do dùng quá nhiều từ ngữ phức tạp lại ẩn dưới nhiều hình thức khác nhau và bị làm cho trở nên thần bí, nên nhiều kiến thức của người xưa đã bị coi là lạc hậu trongkhi thực tế nếu được nghiên cứu và học hỏi đúng mức thì chúng vẫn phát huy tốt trong thời đại ngày nay.
#qtkn_doxuantung
#qtkn_sales
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt/ Chuyên gia đào tạo Kỹ năng Sales và Quản lý Bán hàng
CŨ LÀ LẠC HẬU? – Phần 1: https://www.facebook.com/groups/QuanTrivaKhoiNghiep/permalink/1875363652682674/
CŨ LÀ LẠC HẬU? – Phần 2: https://m.facebook.com/groups/1759029707649403?view=permalink&id=1876341689251537
CŨ LÀ LẠC HẬU? – Phần 3: Nội trước ngoại sau
https://www.facebook.com/groups/QuanTrivaKhoiNghiep/permalink/1877772855775087/
CŨ LÀ LẠC HẬU? – Phần 4: Tính cách làm nên thành công
https://www.facebook.com/groups/QuanTrivaKhoiNghiep/permalink/1879706478915058/
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment