KHI NÀO CẦN THÚC ĐẨY TINH THẦN?
Các anh/chị chủ doanh nghiệp hỏi tôi và đặt hàng việc tổ chức các khóa học để “Thúc đẩy tinh thần đội sales”. Dạy thì không khó, nhưng tôi chỉ sợ nhất là dạy xong rồi thì kết quả vẫn thế, bởi các khách hàng dễ mến (và nhiều tiền mà lại sẵn sàng chi! :)) kể trên quên mất mấy điểm cốt yếu sau đây:
1. Xử lý các vấn đề mà công ty gặp phải đã: Theo đúng cách làm chuyên nghiệp thì việc đầu tiên là phải xem lại chính quy trình của công ty mình. Từ đó xem cái nào chưa đạt hiệu suất cao thì chỉnh. Đôi khi đó chỉ là cắt bớt bước hoặc giảm thời gian làm một bước nào đó. Chỉnh lại lời nói tại một bước nào đó. Như thế, chúng ta khiến nhân viên đỡ mất thời gian làm những việc không đem lại kết quả. Đôi khi loại bỏ sự khó khăn cho nhân viên lại là cách làm họ thấy thoải mái nhất!
2. Chỉ khi nào thúc đẩy tới giới hạn tối đa kỹ năng đã thì hãy dùng tinh thần để đẩy họ lên tiếp. Vụ bác Giáp giữ liên lạc giữa hậu phương và chiến sỹ khi vây hãm cứ điểm Điện Biên Phủ là một ví dụ điển hình. Các chiến sỹ có gốc gác nông dân của chúng ta làm đúng và rất tốt chuyên môn của họ, tập trung đào hầm và hào để bao vây kẻ thù được trang bị hiện đại và tốt hơn hẳn. Hiểu được điểm yếu về kỹ thuật cũng như trang bị quân sự của chúng ta, bác Giáp hướng sang duy trì tuyến đường vận chuyển thư từ trong suốt chiến dịch. Hãy tưởng tượng, những người lính nông dân vừa bước ra khỏi cảnh quanh năm chân lấm tay bùn, làm thuê cho cường hào ở quê, vào lúc mệt mỏi nhất, sau những giờ đào hào và chiến đấu, nhận được thư nhà. Trong đó thông báo “nhà ta mới được nhận đất, thôi thế là hết cảnh làm thuê rồi con ạ!” thì họ sẽ chiến đấu ra sao?
3. Phải có kỷ luật để nuôi dưỡng các yếu tố kích thích tinh thần: Chỉ khi nào con người khép mình tốt trong khuôn khổ thì lúc đó họ mới thấy giá trị thực sự của những phần thưởng và động viên. Đó là câu chuyện “cây gậy và củ cà rốt”. Dùng chỉ một công cụ trong đó liên tục thì sẽ không hiệu quả. Có nhiều công ty suốt ngày chỉ thúc đẩy tinh thần nhờ vào một lãnh đạo hay giảng viên nào đó. Khi người đó ra về thì tinh thần cũng theo đó mà đi mất, đi mãi không về!
4. Chỉnh sửa môi trường văn hóa: Làm cho sales thoải mái chán chê không xong, có công ty còn nhờ cả thầy tâm lý có mấy bài nhạc rất trầm mặc để đội sales phải phản tỉnh, ôm nhau khóc nấc lên, hối hận về lỗi lầm mình gây ra trước đó cho công ty. Tôi hỏi lại: Duy trì tinh thần đó được bao lâu? Dạ cũng chỉ vài ngày anh ạ! Vậy là khóc không xong, cười chả được, vì tinh thần còn cần cả môi trường để duy trì, thầy là người dạy, nhưng sau đó các lãnh đạo có tiếp nối duy trì các kích thích tố đó được không? Tốt nhất là dạy người quản lý để họ dạy lại cho nhân viên của mình. Và không chỉ dạy mà nên luật hóa để những điều các giảng viên nói được áp dụng một cách triệt để.
Trong bài tiếp theo tôi sẽ phân tích một số điều mà chúng ta có thể học hỏi từ cách kích động tinh thần của hệ thống bán hàng đa cấp - MLM.
#qtkn_doxuantung
#qtkn_sales
Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt
No comments:
Post a Comment