Search This Blog

Tuesday, 31 October 2017

CHUYỆN HÀI - VÌ SAO EM CHẾT PHẦN 1


CHUYỆN HÀI - VÌ SAO EM CHẾT PHẦN 1
(Bài viết dựa trên câu chuyện của cá nhân, Các bài về thành công, ý chí , nghị lực các anh các chị đã chia sẻ hết nên em chỉ biết chia sẻ về thất bại thôi)
Vào năm 2011, trong bối cảnh sắp được trường Đại học công nghiệp cho tốt nghiệp sớm (Vì nợ môn quá nhiều), và cũng lúc đó tuổi trẻ sung mãn, khát khao làm giàu tột cùng, ý chí kiên trung tôi bắt đầu lùng bùng khởi nghiệp.
Tôi già đời hơn các bạn sinh viên khác cùng lứa khi vừa ra trường bởi lẽ đã tích luỹ cho mình vài tiền án và khá nhiều tiền sự. Sự "lõi đời" của tôi cũng cao hơn bạn trẻ cùng lứa lúc đó nhiều lần và chính sự “già dặn” đó đã làm cho nhân vật Tôi trở nên cá tính, tự cao, tự đại “chỉ tay lên trời hận đời vô đối”.
Quyết chí khởi nghiệp, cùng với ông anh đáng kính và một anh bạn kỹ thuật sửa xe giàu kinh nghiệm. Bộ 3 "hoàn cảnh" y như câu chuyện lừng danh của Steven Jobs với Steve Wozniak, Steve Jobs và Ronald Wayne huyền thoại ở cái thời lập nên Apple ). 3 chúng tôi có quá nhiều điểm chung, như; chung máu, chung tiền, chung xuất phát điểm, chung đam mê … nói chung là chung rất nhiều. Sau 1 cuộc họp ngắn chưa đầy 30 phút, ý tưởng sẽ phải có 1 công ty “để làm đổi thay thế giới” bắt đầu. Vài nét bút nguệch ngoạc trong sổ, cùng một giấc mơ lớn, cùng một tinh thần khát khao đam mê, và đặc biệt là “Rất yêu khoa học” chúng tôi đã cùng nhau lập công ty để thay đổi thế giới mang tên ABC (Tên đã được thay đổi vì lý do tế nhị)
Lúc lập công ty, để oai phong lẫm liệt chúng tôi mặc dù chả hiểu gì về vốn điều lệ nhưng cũng nâng lên chục tỷ cho oai (sau đó nộp thuế môn bài thấy bà luôn) . Cầm trong tay con dấu, phân chức vụ rõ oai, Card visit in cả chục hộp, 1 Chủ tịch, 1 Tổng giám đốc và 1 Giám đốc. Chỉ với 1,5 triệu, nghiễm nhiên trở thành Tổng giám đốc cầm trên tay con dấu với công ty “Chục tỷ” vốn điều lệ. Oai như cóc !
Công ty đi vào hoạt động, mấy tháng đầu tiên án binh bất động, tìm kiếm thời cơ, xây dựng nhà xưởng nuôi chí lớn. Mục đích của việc thuê đất xây xưởng lúc đó chỉ nhằm cho “Có chỗ chui ra chui vào” “Nhát ma doạ khỉ” Hù doạ đối tác, người thân” Và vài trăm triệu tiền vốn góp đã được chúng tôi ĐỐT nhanh - gọn -Lẹ. (Chúng tôi dân kỹ thuật nên việc xây dựng nhà xưởng kiểu như 1 biểu tượng của tinh thần yêu khoa học )
HỢP ĐỒNG ĐẦU TIÊN
Nhà xưởng xong, đã có chỗ ủ mưu sâu kế hiểm, cả 3 chúng tôi mỗi ngày toạ cùng nhau để tìm đường “Vượt biển lớn”. với niềm tin sắt đá “Đã đi rồi sẽ đến” (Đến đâu thì chưa biết) Như một sự ngỡ ngàng, khi một nhân vật lớn trong bộ ba chúng tôi “Vấp té lụm được 1 vài bí kíp” đó là vài hợp đồng “Gia công mô hình" cho một số trường dạy nghề ô tô. Câu chuyện hấp dẫn kể từ giây phút này .
Với tổng hợp đồng trị giá 2 tỷ đồng cho lô mô hình thiết bị này, chúng tôi họp khẩn cập Hội đồng quản trị với sự có mặt đầy đủ của Chủ tịch, Tổng giám đốc, và tôi Giám đốc. Sau 72 hiệp lấy máy tính Casio Fx750 nhấn đi nhấn lại các kiểu, chúng tôi bắt đầu nhẩm thấy có lợi nhuận lên đến 20% (Tương đương 400 triệu). Suy xét thấy kèo thơm chúng tôi đồng lòng quyết định ĐÁNH.
LAO VÀO CÙNG SỰ HÀO HỨNG
Thiếu vật tư - Mua (Dư lần sau xài), Thiếu máy móc thiết bị gia công - Mua(Có thứ để mà làm, kể cả chưa dùng đến cũng mua,lỡ may cần đến) Thiếu người làm - Tuyển (Có nhân viên để mà sai) Thiếu tiền - Mượn (Làm xong quyết toán trả sau, lo gì) và khi trang bị đầy đủ “Súng ống đạn dược cuộc chiến chính thức bắt đầu.
CUỘC CHIẾN BẮT ĐẦU
Cuộc chiến số 1 : Chiến nhau với chính quyền, vì dựng xưởng trong khu nhà dân, xây dựng trái phép , không có giấy phép môi trường, không có hệ thống PCCC, không có … Nói chung là cuộc chiến số 1 làm tiêu hao một phần sinh lực và cũng may mắn dành chiến thắng (Bài học rút ra được trong cuộc chiến này là phải biết 2 loại kỹ năng quan trọng đó là ăn nhậu và đưa hl)
Cuộc chiến thứ 2: Cuộc chiến với nhà cung cấp, giá báo 1 đàng hàng giao một kiểu, không kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào. Cuộc chiến này cũng vật vã vượt qua sau nhiều lần tranh cãi.
Cuộc chiến thứ ba: Cuộc chiến với đối tác về tiến độ, về các giai đoạn thanh toán, về cam kết ban đầu, về công nợ về chuyển giao. Cuộc chiến này lấy đi quá nhiều sức lực, kéo dài giai giẳng. Phần vì lần đầu làm chuyện ấy kinh nghiệm non nớt không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Phần vì đối tác chia thanh toán ra quá nhiều giai đoạn và công nợ leo thang… Cuộc chiến này đã làm nảy sinh cuộc chiến thứ 4 vô cùng tàn khốc (ở bên dưới).
Cuộc chiến thứ tư: Sau những sự vụ bên trên đã gây ra cuộc nội chiến "đẫm máu", các bất đồng lên cao khi áp lực về tiến độ gia tăng, Chủ tịch chửi Tổng giám đốc, Tổng giám đốc chửi Giám đốc và Giám đốc chửi nhân viên. Sự nghi ngờ lẫn nhau về lòng chính trực về năng lực bắt đầu lên đến đỉnh điểm. Những hợp đồng đầu tay kết thúc trong vật vã, và đó cũng là những hợp đồng cuối cùng.
Sau 1 dự án, 4 cuộc chiến đẫm mồ hôi nước mắt, hàng trăm sự vụ… 3 con người khát vọng ngày nào đã quyết định tiễn dự án này lên đường về nơi an nghỉ cuối cùng trong im lặng…
VÌ SAO TÔI CHẾT?
Thích hoành tráng hoá bản thân, hành động bất chấp sự tính toán, tay chân nhanh hơn não, hoang tưởng về biển lớn, không biết về tính toán chi phí, dòng tiền, không có năng lực quản trị, và chả hiểu mẹ gì về kinh doanh dẫn đến cái chết tức tưởi khi tuổi vừa chập chững vào đời.
Cuộc chiến kết thúc, điều đau đớn nhất là đằng sau cái chết của một dự án đó là những người anh em thân thiết trở mặt và coi nhau như kẻ thù. Câu chuyện đó đã xảy ra cũng ngót 6 năm, vết thương đã hàn gắn, mỗi người cũng đã nhận ra được ít nhiều thứ gọi là kinh nghiệm, để nhiều khi ngồi NGHIỆM lại thấy thật là KINH.
Các phần tiếp theo 2,3,4,5 sẽ viết tiếp khi có nhiều thời gian ạ. Xin cảm ơn BQT đã duyệt bài và cảm ơn anh chị em đã đọc
Trân trọng
Nguyễn Thanh Đàm
Các bài viết trước của em
+Văn tế nghĩa sỹ khởi nghiệp : https://goo.gl/1JUNxq
+Bệnh Tưởng : https://goo.gl/g1bP8y
+ Bài về Trần Bá Dương ông vua ô tô Việt : https://goo.gl/WXtYN1

Thursday, 26 October 2017

NÂNG CAO NĂNG SUẤT LÀM VIỆC CỦA CÁ NHÂN & DOANH NGHIỆP - Phần 1



NÂNG CAO NĂNG SUẤT LÀM VIỆC CỦA CÁ NHÂN & DOANH NGHIỆP - Phần 1
Hôm trước tôi có tổ chức 1 buổi workshop NÂNG CAO NĂNG SUẤT LÀM VIỆC CỦA CÁ NHÂN & DOANH NGHIỆP cho các anh em lớp CEO SG1. Một số bạn có comment và inbox tôi chia sẻ lại, nên tôi sẽ viết lại toàn bộ. Vì khá dài nện tôi chia làm 5 phần. Đây là những công cụ thực sự, không phải lý thuyết suông. Nếu các anh chị áp dụng, tôi tin năng suất làm việc của các anh chị sẽ tăng (còn tăng nhiều hay ko, thì phụ thuộc vào trước đó các anh chị đã tối ưu hóa đến mức nào)
MỤC TIÊU (Tôi đánh giá đây là điều quan trọng nhất để nâng cao năng suất làm việc)
Năm 1953, trường đại học Yale làm một cuộc nghiên cứu. Họ yêu cầu sinh viên sắp tốt nghiệp trả lời: “Có mục tiêu cụ thể gì sau khi tốt nghiệp?” Và chỉ có 3% đặt ra mục tiêu cho công việc, thu nhập, sự nghiệp cho 15-20 năm sau, 97% tới đâu hay tới đó.
Kết quả là 20 năm sau (1973), tổng thu nhập của 3% số có mục tiêu đạt gấp 3 lần tổng thu nhập của 97% còn lại.
Năm 1979, trường đại học kinh doanh Harvard lặp lại nghiên cứu tương tự với sinh viên tốt nghiệp MBA. Kết quả là 3% sinh viên viết mục tiêu rõ ràng trên giấy, 13% có mục tiêu nhưng không viết ra, và 84% không đặt ra mục tiêu.
10 năm sau (1989), thu nhập bình quân của những người thuộc nhóm 13% gấp đôi nhóm 84%, và nhóm 3% thì gấp 10 lần so với 97% còn lại!!!
----------------------
Có thể bạn đã từng đọc qua câu chuyện ở trên ở đâu đó. Tôi cũng vậy. Cách đây khá lâu, tôi đã từng đọc về câu chuyện này. Và theo thói quen của dân kỹ thuật, tôi lại google tìm hiểu nguồn gốc và tính xác thực. Đáng tiếc là câu chuyện này không có thật. Đại học Yale và đại học kinh doanh Harvard khẳng định họ chưa từng thực hiện những cuộc nghiên cứu đó. Vậy thì chúng ta có thể tin tưởng vào tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu không, khi mà chưa có ai chứng minh? Rất may là có rồi.
Năm 2007, trường đại học Dominican ở California đã làm một cuộc nghiên cứu về tầm quan trọng của việc đăt ra mục tiêu, cam kết và tính trách nhiệm (các anh chị có thể search tài liệu đó của giáo sư Gail Matthews thuộc trường đại học Dominican University, vì group yêu cầu ko được đính kèm link). Nghiên cứu chia ra 5 nhóm người gồm:
Nhóm 1 - Không viết ra mục tiêu.
Nhóm 2 - Viết ra mục tiêu
Nhóm 3 - Viết ra mục tiêu và cam kết thực hiện.
Nhóm 4 – Viết ra mục tiêu, cam kết thực hiện và gửi cho một người bạn tin tưởng.
Nhóm 5 - Viết ra mục tiêu, cam kết thực hiện, gửi mục tiêu và gửi tiến độ hàng tuần cho một người bạn tin tưởng.
Kết luận của nghiên cứu chỉ ra rằng:
1. Tác động tích cực của việc báo cáo tiến độ: Những người gửi báo cáo tiến độ hàng tuần (nhóm 5) đã đạt được thành tích nhiều hơn đáng kể so với những người thuộc nhóm khác.
2. Tác động tích cực của việc cam kết với một ai đó: Những người gửi cam kết với một người bạn (Nhóm 4) đã đạt được nhiều thành tích hơn những người thuộc nhóm 1, 2, 3.
3. Tác động tích cực của việc văn bản hóa các mục tiêu: Những người đã viết mục tiêu của mình (nhóm 2) đạt nhiều hơn đáng kể những thành tích so với những người không viết ra mục tiêu của mình (nhóm 1)
Có rất nhiều người, đã trải qua nhiều năm của cuộc đời ko xác định rõ ràng được mục tiêu thực sự của mình là gì (có 1 số báo cáo thì nói 97%, có 1 số báo cáo thì nói 90%, chưa kiểm chứng lại, nhưng tỷ lệ này là nhiều). Vì vậy, việc ĐẦU TIÊN & QUAN TRỌNG NHẤT bạn cần làm trong danh sách, đó chính là cần xác định lại rõ ràng MỤC TIÊU của mình là gì! Bạn có thể google các phương pháp xác định mục tiêu của Brian Tracy, phương pháp SMART & SMARTER, phương pháp Ikigai của người Nhật, phương pháp ngắn hạn và dài hạn.... Và rất nhiều phương pháp khác. Nói thật, tôi đã mất khá nhiều thời gian để phân định rạch ròi mình thật sự thích gì, mình muốn gì, mình giỏi cái gì, mình muốn trở thành người thế nào….để xác định mục tiêu của cuộc đời mình.
Chỉ đến khi đã xác định mục tiêu của mình là gì, thì bạn mới lên được kế hoạch, vẽ ra con đường đi, những cách để vượt qua những chướng ngại, và kiên trì theo đuổi. Có biết bao nhiêu người ngoài kia, vẫn ngày ngày làm việc mà không xác định họ đang làm vì điều gì. Và chỉ cần một khó khăn xảy ra, họ sẵn sàng bỏ cuộc. Những ví dụ về chuyện này, bạn có thể thấy hàng ngày.
Khi học CEO 1-SG do group QT&KN tổ chức, ngay từ những slide đầu tiên, Thầy đã hỏi: “Mục tiêu bắt đầu từ Tương Lai hay Hiện Tại?” Sau khi đợi cả lớp trao đổi thảo luận một lúc, Thầy mới trả lời: “Mục tiêu tương lai sẽ quyết định ngày hôm nay bạn làm gì.” Thầy cho một ví dụ về việc đặt mục tiêu sau 2 năm nữa xuất khẩu hàng ra nước ngoài, thì hôm nay đã phải bắt đầu tìm hiểu các giấy tờ hành chính, thủ tục xuất khẩu, đi tham quan các hội chợ quốc tế, xem các tiêu chuẩn để xuất khẩu qua nước đó thế nào…. Và xuyên suốt bài giảng Quản Trị Chiến Lược, Thầy nhấn mạnh rất nhiều về Mục Tiêu, Thầy yêu cầu anh em phải lượng hóa, cụ thể mục tiêu. VD có mục tiêu 10 năm, sau đó chia nhỏ ra thành 5 khoảng, mỗi khoảng 2 năm, hoặc 10 khoảng, mỗi khoảng 1 năm. Và có mục tiêu cụ thể của những khoảng đó, thực hiện những công việc cụ thể như thế nào. Phải biết mục tiêu của mình đặt trọng tâm ở đâu để chuẩn bị các bước, tập trung dồn nguồn lực cho trọng tâm đó. VD chọn ngành nào, chọn phương thức xuất khẩu hay trong nước….
Khi đã có Mục Tiêu cụ thể và viết ra được con đường để đi đến nó, hàng ngày/tuần/tháng kiểm tra lại, bạn sẽ thấy năng suất làm việc của mình tăng lên rất nhiều. Tin tôi đi, đặt bút xuống viết đi nào. Chúc bạn xác định mục tiêu tốt.
P/S: Dĩ nhiên, Mục Tiêu sẽ có thay đổi theo thời gian, để phù hợp với sự thay đổi của môi trường xung quanh (VD như Mai Linh, Vinasun, trước khi Grab và Uber vào VN, mục tiêu tăng trưởng x%/năm. Giờ thì mục tiêu chắc đổi thành giữ vững thị phần hoặc rút lui một phần…). Điều này còn tùy thuộc vào tầm nhìn và chiến lược của bạn.
Nguyễn Hoàng Nam
Thành viên CEO SG1

Tuesday, 17 October 2017

9 NGUYÊN TẮC "ĐỐI NHÂN XỬ THẾ" MÀ BẠN TRẺ VỪA ĐI LÀM CẦN PHẢI NHỚ

9 NGUYÊN TẮC "ĐỐI NHÂN XỬ THẾ" MÀ BẠN TRẺ VỪA ĐI LÀM CẦN PHẢI NHỚ
(Dành cho sinh viên và các bạn vừa tốt nghiệp ra trường)
*** Nguyên tắc thứ nhất:
Người đầu tiên bạn cần gây thiện cảm không phải là sếp, mà là chú bảo vệ. Vì đó là người bạn gặp đầu tiên khi đến công ty và cũng có thể là người cuối cùng bạn gặp khi rời khỏi văn phòng mỗi tối.
*** Nguyên tắc thứ hai:
Công ty nào cũng sẽ có thị phi, cũng sẽ có tình trạng chia bè kết phái. Khi chưa đủ "trình" để nhận thức và phân biệt đúng sai, hãy trung lập và đừng về phe ai cả (tránh chọn lộn phe).
*** Nguyên tắc thứ ba:
Trong những năm đi làm đầu tiên, đừng quá chú trọng vào vấn đề tiền bạc. Cái bạn cần quan tâm là tìm cho mình một người sếp vừa có Tâm vừa đủ Tầm để đi theo và học hỏi.
Một công việc tồi với một người sếp tốt thì luôn tốt hơn một công việc tốt với một người sếp tồi. Hãy hoàn thiện bản thân mình cho ngon lành trước đã rồi hẵng bàn đến chuyện tăng lương.
*** Nguyên tắc thứ tư:
Đừng trách người ta bóc lột công sức lao động của bạn, trong khi kẻ đầu tiên không trân trọng và đánh giá đúng mức giá trị của nó là chính bản thân mình.
Chính bạn là người ký vào hợp đồng lao động của mình chứ không ai khác làm điều đó thay bạn. Nếu thấy thù lao thỏa đáng với công sức bỏ ra thì hẵng đặt bút ký, còn hơn là nhắm mắt ký đại rồi vào làm với một tâm thế dở dở ương ương và nói xấu cấp trên.
*** Nguyên tắc thứ năm:
Một công việc tốt nhất chưa chắc đã là một công việc phù hợp nhất. Nhưng một công việc phù hợp nhất chắc chắn là một công việc tốt nhất.
Lương chỉ là một trong các yếu tố cơ bản khi lựa chọn một công việc phù hợp. Hãy cân nhắc thật kỹ nếu muốn làm việc lâu dài, ổn định và phát huy được tối đa khả năng mà bạn có.
*** Nguyên tắc thứ sáu:
Đừng đòi hỏi một công ty chuyên nghiệp và môi trường chuyên nghiệp. Hãy tự hỏi bản thân đã chuyên nghiệp hay chưa? Nếu thái độ chuyên nghiệp, tác phong chuyên nghiệp, trình độ chuyên nghiệp, tự khắc những người làm cùng với bạn cũng phải buộc chuyên nghiệp theo bạn.
*** Nguyên tắc thứ bảy:
Nếu làm 2 năm trở lên mà không có gì phát triển, kể cả kiến thức, kỹ năng, chức vụ lẫn thu nhập, thì hãy coi lại xem bản thân đã cố gắng hết sức hay chưa? Nếu bản thân đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn xảy ra tình trạng như trên, thì nghỉ việc đi và tìm công ty mới. Vì rõ ràng công việc đó, công ty đó không phù hợp và không dành cho bạn.
*** Nguyên tắc thứ tám:
Nếu muốn nghỉ việc, thì hãy là người nghỉ việc có trách nhiệm và có tâm. Báo cho công ty ít nhất trước 30 ngày để họ có sự chuẩn bị và sắp xếp nhân sự thay bạn. Đừng thích thì làm, hứng lên thì nghỉ, ít ra sau này ra đời còn có thể nhìn mặt nhau.
Và hãy chắc chắn rằng đã có công ty khác nhận bạn nếu không muốn trở thành một người thất nghiệp.
*** Nguyên tắc thứ chín:
Học thuộc 8 nguyên tắc trên nếu muốn trở thành một người lao động khôn ngoan hơn và chuyên nghiệp hơn.
>>> Tâm sự cuối bài:
Có bạn thắc mắc là tại sao tôi lại hay viết những bài viết dành cho các bạn trẻ và sinh viên sắp ra trường bên cạnh những bài dành cho các anh/chị đã đi làm và quản lý trong group QTvKN, vì các lý do sau:
1/ Đặc thù công việc của tôi là giáo dục, gắn liền với các bạn sinh viên và bạn trẻ trong suốt 7 năm qua, nên tôi tự tin chia sẻ những gì bản thân tôi tự trải nghiệm qua bằng thực tiễn.
2/ Nhiều bạn còn quan niệm rằng ra trường phải mở một cái gì đó để tự kinh doanh riêng thì mới gọi là khởi nghiệp.
Tôi muốn định nghĩa lại rằng ngoài việc "khởi nghiệp kinh doanh", việc các bạn "bắt đầu một sự nghiệp, khởi sự một nghề nghiệp" bằng cách đi làm cho các công ty, miễn sao làm đúng ngành nghề, lĩnh vực mà bạn đam mê và tự nuôi sống được chính mình và gia đình thì đã gọi là khởi nghiệp rồi.
3/ Group QTvKN chúng ta, ngoài các anh, chị doanh nhân, doanh chủ, các thầy, cô, tiền bối là chuyên gia về đa ngành nghề, đa lĩnh vực thì cũng có một số lượng không nhỏ các bạn trẻ và sinh viên tham gia học hỏi.
Thời tôi và các anh/chị đi trước không có nhiều cơ hội được cọ sát và dẫn dắt bởi các anh/chị/thầy/cô đi trước như các bạn bây giờ vì MXH khi đó còn chưa phát triển. (Tự nhiên viết đến đây, tôi thấy nhớ cái yahoo, cái diễn đàn và cái blog 360 độ của mình khủng khiếp, ôi thời gian.)
Nên việc tôi viết những bài này cũng là một phần mong muốn giúp các bạn trẻ có khả năng "Quản trị" được "Sự nghiệp" của mình khi sắp ra trường hoặc vừa ra trường tốt hơn.

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1735845599789787&set=gm.2029861163899588&type=3